Di tích danh lam thắng cảnh Thác Buôn H’Ngô

Buôn H'Ngô, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk
phongqldl@vhttdl.daklak.gov.vn
(0262) 3.858.358

Dịch vụ

Mô tả

Thác Buôn H’Ngô thuộc địa phận xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 70 km về hướng Đông Nam. Là một ngọn thác đẹp, sơn thủy hữu tình gần kề Buôn H’Ngô nên người dân quanh vùng quen gọi là thác Buôn H’Ngô. Ngoài ra, ngọn thác này còn có tên gọi khác là: Drai Yang Lơng, trong đó Drai là thác, Yang Lơng là thần đá lớn vì tại thác có một tảng đá rất to nằm ngay giữa dòng thác, nhân dân các buôn lân cận rất tôn sùng và gọi tên thần đá là Yang Lơng - vị thần che chở và bảo vệ sự sống của buôn làng.

Cũng như bao dòng sông, ngọn thác, đỉnh núi trên vùng đất Tây Nguyên, thường gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ, hấp dẫn của đồng bào các dân tộc tại chỗ. Xung quanh thác Buôn H’Ngô cũng có những câu chuyện gắn liền với đồng bào M’nông sinh sống quanh vùng.

Sự tích về Thần đá Yang Lơng hiện linh bên dòng thác che chở cho bà con buôn làng: Chuyện kể rằng, xưa kia, quanh vùng thác Buôn H’Ngô đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa, trên rừng có nhiều nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, bà con trong buôn chỉ việc lên rừng là có thức ăn cho nhiều ngày mà không cần khai hoang, trồng trỉa như các buôn khác. Vào một ngày nọ, ở khu vực phía Tây của buôn bỗng nhiên gió thổi ầm ầm, mây đen trên núi kéo về, bầu trời âm u, xám xịt, trời tối đen như mực cả một vùng khiến dân làng vô cùng hoảng sợ, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Rồi trong chốc lát trời lại sáng như thường, dân làng tò mò kéo nhau lên khu vực thác xem thì vô cùng bất ngờ khi nhìn thấy khu vực quanh thác xuất hiện những tảng đá khổng lồ, sừng sững, trong đó có một tảng đá rất to nằm ngay dưới ngọn thác, che chắn hết cả dòng chảy. Thấy vậy, bà con trong buôn coi tảng đá này là “Yang Lơng”.

Kể từ khi xuất hiện, thần Yang Lơng luôn che chở và bảo vệ bà con trong buôn, không chỉ báo trước những chuyện sắp xảy ra, Yang Lơng còn là vị thần có cảm xúc, thần có thể thấu hiểu tất cả và gửi thông điệp đến với những mất mát đau thương mà bà con trong buôn gặp phải. Nếu trong buôn có người chết thì ngày hôm sau toàn thân và những khe đá bỗng nhiên ứa ra một dòng “máu” đỏ và đến mấy ngày mới hết, bà con coi đó là nước mắt của Yang Lơng, Thần khóc ra “máu” để tiếc thương cho người bị chết.

Truyền thuyết kể về nàng H’Srong: Ngày xưa, ở Buôn H’Ngô có một cô gái xinh đẹp, siêng năng, chăm chỉ tên là H’Srong. Do tính tình hiền lành, nết na nên nàng được mọi người trong buôn quý trọng. Một hôm H’Srong mang gùi lên khu vực rừng núi phía Tây lấy măng và hái rau rừng. Với bản tính nhanh nhẹn, tháo vát, chẳng mấy chốc nàng đã lấy được đầy gùi măng và rau rừng. Xong việc nàng xuống núi, trên đường trở về buôn, nàng đi qua con suối Ea Drui nghỉ ngơi, tắm rửa, gội đầu. Đang ngâm mình bên dòng nước mát, bỗng nhiên trên núi có dòng nước lớn đổ xuống và cuốn trôi nàng H’Srong đi mất. Mãi đến tối, cha mẹ không thấy nàng về như thường lệ nên hết sức lo lắng và nhờ mọi người trong buôn lên núi tìm. Đi hết ngọn núi này đến ngọn núi khác mà vẫn không thấy nàng đâu, đêm đã khuya, trời tối như mực nên mọi người đành phải quay về. Khi nghỉ chân ở đoạn suối Ea Drui, mọi người nhìn thấy chiếc gùi của nàng bỏ lại bên suối, bèn tỏa ra xung quanh để tìm kiếm nhưng vẫn không thấy nàng đâu. Đến bên bờ suối mọi người vô cùng sửng sốt thấy dấu chân của nàng, vội chạy về buôn báo cho gia đình và già làng biết chuyện, ai cũng đoán rằng nàng H’Srong đã bị thần nước bắt đi. Ngày hôm sau, già làng cắt cử nhiều người trong buôn men theo dòng suối về xuôi để tìm xác nàng H’Srong, nhưng đi hết con suối, tìm từ ngày này qua ngày khác mà vẫn không thấy xác nàng. Quay về buôn, già làng báo với gia đình và toàn thể buôn làng sắm lễ vật để cúng thần sông, thần nước. Ngày hôm sau tại nơi nàng bị nước cuốn trôi bỗng nhiên hình thành một ngọn thác đẹp, phía dưới ngọn thác là dòng chảy hiền hòa, giống như tính cách của nàng H’Srong, dòng thác không bắt người về với thần sông, thần suối nữa. Về sau bà con trong buôn đặt tên ngọn thác phía dưới thác Drai Yang Lơng là Drai H’Srong, từ đây khi nhắc đến thác Buôn H’Ngô mọi người đều nghĩ và nhớ thương về một người con gái siêng năng, xinh đẹp, nết na đã bị thần nước bắt đi và về với thần sông, thần suối.

Buôn Ngô, địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng của huyện Krông Bông trong kháng chiến chống Mỹ: Cuối năm 1965, đầu năm 1966, cơ quan Tỉnh ủy Đắk Lắk chuyển từ căn cứ Čư Jŭ, Dliê Ya về đóng tại vùng rừng núi Čư Yang Sin thuộc H9 (nay là huyện Krông Bông) để tiện lãnh đạo và phát triển phong trào ở phía Nam. Tại căn cứ Krông Bông, được sự che chở, đùm bọc của bà con các dân tộc tại chỗ, Tỉnh ủy đã dần ổn định khu vực hoạt động để lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh phát triển. Trong thời gian 9 năm đóng tại căn cứ cánh Nam, Tỉnh ủy đã tổ chức được ba kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đó là Đại hội III (1965), Đại hội IV (1969), Đại hội V (1971) để kịp thời đề ra những Nghị quyết lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh đấu tranh chống Mỹ cứu nước.

Buôn H’Ngô đóng vai trò căn cứ địa cách mạng, là nơi đứng chân của Tỉnh ủy, các cơ quan, ban, ngành tỉnh từ 1969 - 1972, là đầu mối của nhiều tuyến hành lang trọng yếu, trên núi đầu nguồn thác là nơi tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ V vào tháng 10 năm 1971.

Theo lời kể của các cụ lão thành cách mạng: Vào năm 1969, một số địa điểm cơ quan Tỉnh ủy đứng chân bên dãy Cư Yang Sin bị địch phát hiện, chúng đã huy động máy bay ném bom tàn phá dữ dội cơ sở của ta, gây ra nhiều đau thương, mất mát cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân cũng như cơ sơ hạ tầng khu căn cứ. Địch còn huy động lực lượng biệt kích đổ quân xuống lùng sục rồi đánh phá căn cứ của ta. Đứng trước nguy cơ bị lộ, Tỉnh ủy quyết định dời cơ quan về đóng quân tại khu vực Buôn H’Ngô (cạnh Thác Buôn H’Ngô ngày nay), tại đây bà con đồng bào Buôn H’Ngô đã che chở, cung cấp lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Đồng thời bà con còn chủ động di dời buôn làng vào núi để lao động sản xuất, giúp đỡ cho cơ quan Tỉnh ủy hoạt động. Nhờ vậy trong những năm đóng quân bên suối Ea Drui, Tỉnh ủy đã triệu tập và tổ chức được Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh tháng 3/1971, đặc biệt là tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (10/1971), theo lời kể của đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk: Ban đầu Đại hội Đảng bộ tỉnh được tổ chức dưới chân núi Čư Yang Klơr, bên cạnh dòng suối lớn Ea Drui. Tuy nhiên, trong lúc đang diễn ra khai mạc, Ban Chấp hành đã nhận được tin báo có địch đổ quân càn quét vào khu vực Buôn H’Ngô nên buộc phải rút vào núi sâu và chọn được một địa điểm bằng phẳng trên đỉnh núi để dựng lại hội trường, lán trại tiếp tục tổ chức Đại hội. Việc tổ chức thành công Đại hội V là một thắng lợi to lớn của Tỉnh Đảng bộ nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Krông Bông cũng như đồng bào Buôn H’ Ngô, xã Hòa Phong nói chung, góp phần vào thành tựu của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, địa điểm này là một trong những điểm Di tích có ý nghĩa lịch sử, góp phần giáo dục tinh thần cách mạng cao cả, truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Với cảnh quan thiên nhiên đẹp lại gắn với truyền thống cách mạng của đồng bào dân tộc ở Buôn H’Ngô và Khu di tích căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk 1965 – 1975. Ngày 17/10/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng thác Buôn H’Ngô là Di tích danh thắng cấp tỉnh.

Một số hình ảnh về Di tích:

Những điểm lân cận

Bản đồ