Di tích lịch sử Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk năm 1945

57 Lý Thường Kiệt, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
phongqldl@vhttdl.daklak.gov.vn
(0262) 3.858.358

Dịch vụ

Mô tả

Cách đây 76 năm, tại nhà số 57 Lý Thường Kiệt (nay là số 71 Lý Thường Kiệt, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Uỷ ban Cách mạng lâm thời để chuẩn bị điều kiện cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk.

Từ khi đặt ách thống trị lên mảnh đất Tây Nguyên, thực dân Pháp đã thực hiện nhiều chính sách nhằm chia rẽ các dân tộc, chúng ra sức bóc lột về kinh tế, khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên cùng chế độ xâu thuế khắc nghiệt.

Song song với việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng, chinh phục, xâm chiếm đất đai, khai thác tài nguyên thì việc thành lập đồn điền cũng được đẩy mạnh; những khu đất màu mỡ bị tước đoạt, những đồn điền lớn lần lượt xuất hiện như: CHPI (Compagnie des Hauts Plateaux Indochinois); CADA (Compagnie Agrecole D’Asie); Societe Indochinois,… Bằng việc lập đồn điền, thực dân Pháp đã nhanh chóng bần cùng hóa người lao động, họ bị biến thành “cu ly” ở các đồn điền.

Trái với âm mưu chia rẽ của kẻ thù, tinh thần đoàn kết Kinh - Thượng vẫn luôn bền vững, vào năm 1925, làng Lạc Giao được thành lập. Từ năm 1930 đến 1945, một số gia đình ở làng Lạc Giao thường bí mật liên hệ với tù chính trị ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, lúc thì tiếp tế lương thực, thuốc men, lúc thì cung cấp tài liệu báo chí cách mạng. Có nhiều lần tù chính trị ở Nhà đày bị địch bắt đi làm khổ sai, khi ngang qua làng Lạc Giao, đồng bào nơi đây đã mang bánh trái, thuốc men cho tù nhân với tấm lòng đầy kính phục. Từ mối quan hệ đó mà làng Lạc Giao đã trở thành cơ sở cách mạng, che giấu, bảo vệ cán bộ của ta trong những năm tháng gian khổ hoạt động, xây dựng phong trào cách mạng.

Năm 1930, Nhà đày Buôn Ma Thuột (Penitencier de Ban Mé Thuột) được khởi công xây dựng theo lệnh của Khâm sứ Trung kỳ để đày ải, giam cầm và thủ tiêu các chiến sĩ hoạt động cách mạng. Tại đây, chúng thực thi một chế độ tù đày hết sức khắc nghiệt: tù chính trị bị ngược đãi và đánh đập dã man, phải gánh chịu chế độ lao dịch khổ sai, thường xuyên bị đưa đi làm tại các công trường, xây dựng các công sở, trại lính, đường xá (như xây dựng quốc lộ 14, 21) phục vụ cho mục đích cai trị của thực dân Pháp. Tại đây, tù nhân phải lao động trong điều kiện hết sức kham khổ và khắc nghiệt. Chúng lợi dụng “rừng thiêng nước độc” để thủ tiêu, giết dần giết mòn ý chí, thể xác của những người cách mạng. Nhưng cũng chính tại nơi này, với ý chí kiên cường, không khuất phục trước mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, nhà đày của thực dân chỉ giam cầm thể xác chứ không giam giữ được ý chí, tinh thần của những người cộng sản. Từ Nhà đày Buôn Ma Thuột, một tổ chức nòng cốt hay có thể nói là Chi bộ Đảng đầu tiên đã ra đời tại Đắk Lắk, gieo mầm những hạt giống cách mạng cho Buôn Ma Thuột, cho Đắk Lắk. Nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng ở thị xã và các đồn điền.

Từ năm 1944, thông qua đồng chí Nguyễn Hòa - người đầu tiên của Lục lộ được các đồng chí trong Nhà đày Buôn Ma Thuột giao trách nhiệm bắt liên lạc với gia đình ông Đầu Viết Chúc để xây dựng cơ sở cách mạng.

Ông Đầu Viết Chúc là một công chức tiến bộ ở Thị xã Buôn Ma Thuột. Thời Pháp thuộc, ông làm việc tại Sở Lục lộ Vinh vì chống lại bọn Tây nên ông bị kỷ luật, phải huyền chức ba năm. Năm 1939, ông được phục chức và đưa đi làm việc tại Buôn Ma Thuột. Năm 1943, ông xây dựng ngôi nhà ba gian tại số 57 đường Lý Thường Kiệt, trên khu đất rộng hơn 500m2 theo mô típ nhà truyền thống ở miền Bắc với mái dốc lợp bằng ngói vảy cá. Nhà rộng khoảng 10m, dài 18m, cao 4m (tính từ đỉnh mái), có 3 cửa chính và 3 cửa sổ. Không gian bên trong được chia thành 3 gian gồm có một gian chính và 2 gian phụ nằm ở hai bên của gian chính, trong đó, gian chính được dùng để tiếp khách và thờ cúng còn 2 gian phụ dùng để ở và phục vụ các sinh hoạt hàng ngày, phía sau là khoảng sân rộng, xung quanh có tường xây bao bọc.

Nhà số 57 Lý Thường Kiệt trở thành cơ sở liên lạc bí mật của Việt Minh lúc bấy giờ ở Đắk Lắk nói riêng và toàn khu vực miền Trung nói chung, giữa các đồng chí tù chính trị bị đày từ các tỉnh miền Trung lên và các cơ sở ở bên ngoài.

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương, tại Buôn Ma Thuột chính quyền thực dân Pháp đầu hàng Phát xít Nhật vô điều kiện. Lợi dụng tình hình chính quyền cai trị của Pháp đang tan rã và chính quyền của Nhật chưa ổn định, các đồng chí trong Ban lãnh đạo Nhà đày quyết định thông qua các cơ sở cách mạng đã xây dựng được ở thị xã, đồn điền và một số buôn làng, phát động nhiều cuộc đấu tranh vạch trần thủ đoạn lừa bịp của Nhật, cô lập bọn tay sai. Mặt khác, tiếp tục xây dựng cơ sở, kết hợp cuộc đấu tranh của quần chúng bên ngoài (đã được các đồng chí tù chính trị ở nhà đày Buôn Ma Thuột giác ngộ) với cuộc đấu tranh của các đồng chí đang bị giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột để giải phóng tù chính trị. Nhà số 57 Lý Thường Kiệt trở thành nơi tiếp nhận và nuôi dưỡng các đồng chí chính trị phạm như: Đồng chí Nguyễn Trọng Ba, nguyên Tỉnh ủy viên; đồng chí Nguyễn Lợi, nguyên Xứ ủy; đồng chí Ngô Hàm, thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và một số đồng chí khác. Ngôi nhà trở thành cơ sở để chuẩn bị tổng khởi nghĩa của tỉnh Đắk Lắk.

Đầu tháng 04/1945, cuộc đấu tranh đòi phóng thích tù chính trị nổ ra với quy mô lớn, từng đoàn quần chúng ở các đồn điền, buôn làng, thị xã kéo đến Nhà đày, yêu cầu thả những người tù, trả lại người thân; các công chức, trí thức yêu nước kéo đến nhà tên Tỉnh trưởng Nguyễn Sỹ Túc vừa thuyết phục, vừa đấu tranh đưa kiến nghị lên trên đòi thi hành lệnh của “Chính phủ”. Trong khi đó, anh em tù chính trị vừa tranh thủ vận động một số cai ngục, vừa cô lập bọn ngoan cố đấu tranh đòi mở cửa tù. Trước áp lực của cuộc đấu tranh mạnh mẽ phối hợp giữa các chiến sĩ trong tù và phong trào quần chúng ở bên ngoài, bọn Nhật buộc phải trả tự do cho các chiến sĩ cách mạng đang bị giam giữ tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Tù chính trị được giải phóng, đồng bào khắp nơi trong thị xã, các đồn điền, buôn làng đã tổ chức những cuộc tiếp đón với tình cảm thân thiết yêu thương.

Sau khi ra tù, đồng chí Phan Kiệm, đồng chí Nguyễn Trọng Ba đã bí mật trở lại Buôn Ma Thuột hoạt động chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Đêm 13/8/1945, Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Tại Buôn Ma Thuột, ngày 14/8/1945, Ban Lãnh đạo lâm thời triệu tập hội nghị đánh giá tình hình và nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến, quyết định phân công thêm người tuyên truyền, tiếp tục phát triển cơ sở trong lính Bảo an, cử người đi xin thêm cán bộ chi viện và phối hợp hành động…

Ngày 17/8/1945, sau khi được tin Vạn Giã (Vạn Ninh - Khánh Hòa) khởi nghĩa thắng lợi, tiếp đó là Ninh Hòa, Tỉnh bộ Đắk Lắk quyết định tiến hành khởi nghĩa ở đồn điền CADA. Ngay tối hôm đó, ngày 17/8, nhân cuộc liên hoan văn nghệ của công nhân, Ủy ban Việt Minh ra mắt trước toàn thể công nhân.

Sáng 19/8/1945, đồng chí Huỳnh Bá Vân và đồng chí Đào Xuân Quý cán bộ Khánh Hòa tăng cường cho Đắk Lắk đến CADA vừa giải phóng, điều này cổ vũ cho các cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở các khu vực lân cận. Chỉ trong ngày hôm đó, chính quyền cách mạng đã được thành lập ở một loạt đồn điền và buôn làng từ cây số 3 đường 21 (đường 26 ngày nay) và dọc theo đường số 8 (Phan Chu Trinh ngày nay) đến Mê Val.

Ngay tối ngày 19/8/1945, tại Nhà số 57 Lý Thường Kiệt, thị xã Buôn Ma Thuột Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh triệu tập Hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình ở các tỉnh bạn và quyết định thời điểm giành chính quyền ở cấp tỉnh. Tham dự Hội nghị có đông đủ các đại diện Việt Minh của các khu vực thị xã, đồn điền và một số buôn làng. Hội nghị nhận định và đánh giá tình hình như sau:

- Về phía địch, tuy lực lượng tập trung đủ một trung đoàn, nhưng từ sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, bọn chúng chỉ co cụm trong đồn chờ lệnh rút. Bọn ngụy quyền tỉnh chưa có cơ sở chính trị chỉ hoạt động cầm chừng. Nhiều tổ chức do Nhật nặn ra đang rệu rã, tiêu biểu là tổ chức thanh niên, đa số đã ngả về cách mạng.

- Về phía ta, phong trào đấu tranh của công nhân đồn điền CADA và một loạt các đồn điền, buôn làng dọc đường 26 đã tạo ra khí thế phấn khởi lớn trong nhân dân thị xã có ảnh hưởng tốt thúc đẩy phong trào cách mạng của tỉnh tiến mạnh hơn nữa. Ở các xã Lạc Giao, Lạc Sa và một số buôn làng xung quanh thị xã quần chúng nhân dân đã chủ động đi tìm cán bộ Việt Minh để đề nghị cướp chính quyền.

Trên cơ sở thế và lực của cách mạng ngày càng phát triển trong khi của địch ngày càng suy yếu Hội nghị đã đi đến kết luận:

- Thời cơ đã chín muồi, cần bồi dưỡng nhanh lực lượng nòng cốt để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa.

- Mục tiêu chủ yếu của tổng khởi nghĩa là cướp chính quyền ở thị xã Buôn Ma Thuột. Vì vậy, khẩn trương nắm lại cơ sở cốt cán trong công chức, học sinh, trí thức dân tộc và bảo an binh để sẵn sàng phối hợp với đồng bào thị xã.

- Khôn khéo cô lập Nhật, dùng áp lực của quần chúng đè bẹp ý chí phản kháng của địch.

- Bầu ra ban lãnh đạo khởi nghĩa và phân công phụ trách các mặt công tác công vận, nông vận, binh vận, thanh vận và phụ vận. Hội nghị quyết định chờ các đồng chí được cử đi liên lạc xin lực lượng chi viện về sẽ tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh.

Khi Hội nghị sắp kết thúc thì đồng chí Phan Quốc Lương - một cơ sở của Việt Minh ở nội thị báo tin: bọn ngụy quyền tỉnh đang huy động quần chúng đi mít tinh “chào cờ quẻ ly” và công bố cải tổ chính quyền vào ngày 20/8/1945 tại sân vận động thị xã. Trước tình hình đó, Hội nghị đi đến một quyết định mang tính chất chiến lược lịch sử: Chớp thời cơ phá tan cuộc chào cờ để đánh gục uy thế của địch, biểu dương lực lượng của Việt Minh, phát động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền tại thị xã.

Hội nghị cũng đã bầu ra Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk gồm các đồng chí Phan Kiệm (trưởng ban), Phạm Sỹ Vinh (phó ban) và các ủy viên Nguyễn Trọng Ba, Huỳnh Bá Vân, Y Bih Alê ô, Thái Xuân Đồng, Y Ngông Niê Kdăm. Các cán bộ Việt Minh ở các cơ sở đồn điền, buôn làng được kịp thời huy động và trực tiếp điều khiển các tổ chức tự vệ hoạt động trong cuộc mít tinh. Các đơn vị tự vệ ở đồn điền CADA, xã Lạc Giao, Lạc Sa được điều động mỗi nơi một tổ có trang bị vũ khí để tăng cường bảo vệ đoàn đại biểu Ủy ban khởi nghĩa.

Theo kế hoạch, sáng 20/8/1945 tại sân vận động thị xã trước sự có mặt đầy đủ của chính quyền tay sai Nhật, phái đoàn Ủy ban khởi nghĩa ra mắt và tuyên bố: “Các đơn vị lính bảo an và toàn thể nhân dân đã đi theo mặt trận Việt Minh làm cách mạng. Chính quyền Đắk Lắk đã thuộc về nhân dân, cho nên hôm nay chưa phải là ngày lễ chào cờ của chúng ta, đồng bào hãy giải tán, chờ lệnh cấp trên chúng ta sẽ có cuộc mít tinh chính thức”.

Cả sân vận động reo hò vang các khẩu hiệu: “hoan hô cách mạng”, “hoan hô Việt Minh”, “đả đảo phát xít Nhật, “đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”. Lá cờ quẻ ly chưa được kéo lên đã thấy cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong tay một số người là quần chúng tốt do ta bố trí. Chính quyền bù nhìn không kịp đối phó, cuộc mít tinh bị giải tán. Theo chỉ dẫn của các đội tự vệ, đồng bào kéo thẳng tới Nhà đày Buôn Ma Thuột phá nhà lao, giải phóng cho những người bị giam giữ ở đây.

Sáng ngày 22/8/1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp Hội nghị mở rộng để nghe đánh giá tình hình phong trào của quần chúng những ngày qua, nhất là kết quả của việc phá buổi chào cờ của địch. Đây là một quyết định chiến lược, làm tiền đề cho thời cơ khởi nghĩa chín muồi. Hội nghị đi đến quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã vào ngày 22/8/1945, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, gồm các đồng chí: Chủ tịch: Phạm Sỹ Vinh; Phó Chủ tịch: Y Blǒ; Ủy viên thư ký: Nguyễn Trọng Ba, Y Nuê, Võ Tố; Ủy viên Tuyên truyền: Y Ngông Niê Kdăm, Nguyễn Đức Lang; Ủy viên Quân sự: Phan Kiệm, Y Bih Alêo; Ủy viên Kinh tế: Huỳnh Bá Vân,…

Khi thực dân Pháp gây hấn trở lại xâm chiếm Đắk Lắk, Nhà số 57 Lý Thường Kiệt lại được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh chọn làm trụ sở chỉ huy tác chiến phản kích lại địch. Sau khi thực dân Pháp chiếm lại Buôn Ma Thuột, chúng truy lùng bắt bớ những chiến sĩ hoạt động cách mạng. Nhờ có căn hầm của nhà số 57 Lý Thường Kiệt mà đã cứu thoát nhiều đồng chí lãnh đạo như: Bùi San, Nguyễn Trọng Ba, Phan Kiệm, Tống Đình Phương, Phạm Sỹ Vinh, Huỳnh Bá Vân, Y Ngông, Nguyễn Lợi… lúc đó đang làm việc tại đây.

Như vậy, Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 - Nhà số 57 (nay là 71) Lý Thường Kiệt, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột từ một ngôi nhà ở bình thường đã trở thành một trong những cơ sở cách mạng bí mật nằm ở ngay trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là điều không phải dễ dàng trong điều kiện, bối cảnh lúc bấy giờ ở Đắk Lắk. Điều này đã chứng tỏ đường lối chiến lược của Đảng ta: Không nơi nào bảo vệ vững chắc bằng lòng dân - “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Chính tại ngôi nhà này đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của UBND cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk để chuẩn bị điều kiện cho khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 của tỉnh. Đặc biệt, tối ngày 19/8/1945, khi thế và lực của cách mạng trong cả nước đang phát triển mạnh, thì tại cơ sở cách mạng Nhà số 57 Lý Thường Kiệt (hiện nay là số 71 Lý Thường Kiệt) đã được Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh chọn làm nơi triệu tập hội nghị khẩn cấp đưa ra quyết định mang tính chất chiến lược lịch sử - phát động quần chúng chuẩn bị giành chính quyền tại thị xã. Đây là một quyết định sáng tạo và táo bạo, lợi dụng yếu tố bất ngờ tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk nói riêng và góp một mắt xích thành công trong cách mạng tháng Tám năm 1945 của cả nước nói chung.

Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 trở thành nơi che dấu, nuôi dưỡng các cán bộ Đảng - những hạt giống cách mạng, góp phần làm sáng ngời Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, thể hiện đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng ta được vận dụng sáng tạo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh hợp thành “ý Đảng lòng dân” góp phần cho cách mạng thành công. Di tích Trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945 xứng danh là nơi lưu niệm sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.

Những điểm lân cận

Bản đồ