Thác Drai Êga

Giới thiệu

Giá: Miễn phí

Số điện thoại: (0262) 3.852.405

Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút

Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH

Email: vhttdl@daklak.gov.vn

Địa chỉ: xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk

Thác Drai Êga thuộc địa phận buôn Tring, xã Ea B’lang, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Trong tiếng Êđê: Drai có nghĩa là thác, Êga có nghĩa là sỏi đá. Drai Êga có nghĩa là Thác sỏi đá. Theo truyền thuyết của người Êđê Adham, từ xa xưa tại nơi đây có một buôn chỉ vài gia đình sinh sống, họ thường xuống dòng thác để bắt con tôm, con cá, tuy nhiên một số người khi xuống dòng thác này mãi mãi không trở về, sau này dân làng mới biết người thân của họ bị Thần rừng bắt đi và linh hồn của họ đã hóa thành những tảng đá đồ sộ đứng hiên ngang xung quanh dòng thác. Êga là nói về lòng dũng cảm kiên cường, cứng như đá của người Êđê Adham, từ đó về sau dân làng gọi tên thác là Drai Êga (thác sỏi đá). Không ồn ào dữ dội như những dòng thác khác, Drai Êga hiền hòa, thơ mộng và trữ tình như tình cảm của đôi trai gái miền sơn cước đang mùa trăng non. Thác còn gắn với những truyền thuyết dân gian về mối tình ... Xem thêm

Bản đồ

Giới thiệu

×

Thác Drai Êga thuộc địa phận buôn Tring, xã Ea B’lang, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Trong tiếng Êđê: Drai có nghĩa là thác, Êga có nghĩa là sỏi đá. Drai Êga có nghĩa là Thác sỏi đá.

Theo truyền thuyết của người Êđê Adham, từ xa xưa tại nơi đây có một buôn chỉ vài gia đình sinh sống, họ thường xuống dòng thác để bắt con tôm, con cá, tuy nhiên một số người khi xuống dòng thác này mãi mãi không trở về, sau này dân làng mới biết người thân của họ bị Thần rừng bắt đi và linh hồn của họ đã hóa thành những tảng đá đồ sộ đứng hiên ngang xung quanh dòng thác. Êga là nói về lòng dũng cảm kiên cường, cứng như đá của người Êđê Adham, từ đó về sau dân làng gọi tên thác là Drai Êga (thác sỏi đá).

Không ồn ào dữ dội như những dòng thác khác, Drai Êga hiền hòa, thơ mộng và trữ tình như tình cảm của đôi trai gái miền sơn cước đang mùa trăng non. Thác còn gắn với những truyền thuyết dân gian về mối tình thơ mộng và huyền ảo của hai chị em gái H’Ring, H’Rao và thần sông Y Krông:

Ngày xưa, ở một buôn làng nọ có hai chị em H’Ring, H’Rao nết na và xinh đẹp lạ thường, khuôn mặt tròn như trăng, nhìn xa giống như ai tạc, nhìn gần giống như ai đúc, nước da trắng nõn, thân của nàng H’Ring như đúc khuôn vàng, của H’Rao như đúc khuôn bạc. Nhìn đằng trước không nhắm được mắt, nhìn đằng sau không ai thấy chán. Gặp năm này, năm sau trong lòng vẫn chưa quên được. Mỗi lần hai chị em lên rẫy là các trai làng nhìn trộm không chán, đi ra suối từng đàn cá lội tung tăng, hoa nở đầy bờ vui đón các nàng. Chàng trai các buôn ai cũng muốn được H’Ring, H’Rao ở chung một nhà, ăn cơm một nồi, cùng một đường ra nương, lên rẫy. Nhưng vẫn không có một chàng trai nào làm cho H’Ring, H’Rao ưng bụng, hai chị em chăm chỉ dệt váy áo, nấu cơm, ra suối lấy nước về giúp cha mẹ.

Một buổi sáng nọ, hai chị em H’Ring cùng với những trai gái trong buôn cùng nhau đi hái rau, bắt cá… Họ bắt đầu từ cửa rừng rồi đi mãi, đi mãi mãi hết chỗ này đến chỗ nọ, họ đi qua bao suối sâu, hoa đã hái đầy tay, quả đã nhặt đầy gùi. Vừa đi họ vừa đùa giỡn, hát ca, mải vui họ quên mất là mình đã đi quá xa buôn làng. Rồi bỗng nhiên họ đi đến một dòng thác. Thác nằm yên ả dưới bóng những cây Kơnia cao như cổ thụ, tán lá phủ rợp cả một khoảng rừng rộng lớn như ngực của một chàng trai vạm vỡ đang dang rộng, cành lá buông dài, uốn lượn như mái tóc của người con gái đang tuổi mộng mơ. Trong cảnh thiên nhiên hiền dịu, mát lành, chị em H’Ring cùng với các cô gái khác vui đùa thỏa thích. Lời ca, tiếng hát của các cô vút lên và vang xa khắp cả núi rừng, hòa cùng với tiếng của muôn thú và cỏ cây, hoa lá. Vui chơi, ca hát mọi người không hay biết bóng chiều tà đã ngả về tây, tất cả quyến luyến ra về. Chị em H’Ring ra về mà bước chân của họ cứ luyến lưu mãi, lòng chẳng muốn rời…

Rồi mấy tuần trăng trôi qua, con trai con gái trong buôn lại đến rủ chị em H’Ring cùng đi hái rau, lượm củi, nhưng hai chị em H’Ring lại muốn đi một mình đến dòng thác lạ hôm trước. Hai chị em đi tới dòng thác, cảnh vật rất khác thường thế mà hai chị em vẫn mải miết đùa vui không để ý tới. Bỗng có tiếng động lớn vang lên từ mặt nước, rồi gió thổi mạnh trên ngọn cây, những bản nhạc tuyệt vời, nước mát rượi và trong suốt như gương, hoa rừng nở rộ muôn sắc, chim chóc líu lo ca hát. Hai chị em sững sờ như chết lặng trước sự có mặt của một chàng trai khôi ngô, tuấn tú hiện lên từ dòng thác.

Chàng trai hỏi:

- Hai cô làm gì mà lạc vào chốn rừng sâu này?

Hai chị em H’Ring, H’Rao lặng im một lúc rồi mới trả lời chàng trai:

- Hai chị em chúng tôi đi hái rau, bắt cá và chúng tôi đang chờ mọi người trong buôn cùng về.

Hai chị em H’Ring, H’Rao hỏi lại chàng trai:

- Thế anh ở đâu mà lại đến đây? Anh ở buôn nào? Mà tại sao lại đến chốn này có một mình!

Chàng trai đã rất nhanh ý trả lời hai chị em:

- Tôi cũng đi câu cá, hái rau!

Thế rồi cả ba người ngồi bên nhau cùng trò chuyện và hỏi thăm về nhau rất nhiều, nhưng chàng trai vẫn không hề cho hai chị em H’Ring, H’Rao biết mình ở đâu đến. Tâm sự một lúc sau chàng trai đến gốc cây Kơnia lớn ngồi câu cá, chẳng bao lâu sau chàng câu được rất nhiều cá. Chị em H’Ring vô cùng ngạc nhiên trước sự khéo léo của chàng trai, hai chị em H’Ring đã có một suy nghĩ rất lạ về chàng trai – Không biết chàng là ai mà tài giỏi đến vậy?. Và rồi ông mặt trời cũng sắp đi ngủ, hai chị em đã đến lúc phải về nhà. Chào tạm biệt chàng trai lạ rồi bước đi nhưng chỉ đi được vài bước chân thì chàng trai đã vội gọi hai chị em quay lại:

- Hai cô ơi! Những con cá này cho tôi gửi về biếu cha mẹ. Hai cô gắng mang về nhé!

Họ suy nghĩ – sao chàng trai lại tốt bụng vậy! Nhưng chưa kịp từ chối thì chàng trai lại nói tiếp:

- Không có gì đâu! Hai cô cứ mang về nhà mà ăn, đây là quà của tôi gửi biếu cho cha mẹ ở nhà mà.

Không thể từ chối vì chàng trai nói quá khéo, cuối cùng H’Ring, H’Rao đành nhận lời và cùng rủ chàng trai về nhưng chàng đã từ chối và nói:

- Thôi hai cô về trước đi, tôi thì về lúc nào cũng được!

Chưa đầy một tuần trăng, hai chị em H’Ring lại đến thác nơi họ gặp chàng trai kia. Họ vừa đến nơi thì cũng vừa lúc chàng trai hiện lên, hai chị em họ lần này bắt đầu suy nghĩ nhiều về chàng trai - Sao chúng mình đến đây anh ta cũng đến?

H’Rao hỏi:

- Sao chúng tôi đến đây anh cũng đến? Buôn anh ở đâu? Có gần đây không? Hay là anh không về?

Nhưng chàng trai vẫn không trả lời cho họ biết mình tên gì và ở đâu, suốt cả ngày họ cùng hái rau và chuyện trò bên dòng thác, càng ngày tình cảm của họ càng thắm thiết, gắn bó với nhau hơn, lúc này rau cũng đã hái xong H’Ring, H’Rao lại phải về buôn, chàng trai cứ nhìn theo bóng dáng hai chị em cho đến khuất.

Ngày hôm sau, H’Ring, H’Rao đến dòng thác hôm trước hái rau, nhưng lần này không như những lần trước, lần này đến nơi họ không thấy chàng trai xuất hiện, lúc này hai chị em họ cảm thấy lo âu - Hay là chàng trai có chuyện gì? Đợi đến nửa ngày mà vẫn không thấy chàng đến, H’Ring, H’Rao cảm thấy buồn bã, mệt mỏi và lo lắng. Hai chị em chưa kịp nói với nhau là về lại buôn thì chàng trai xuất hiện ra từ một phía khác. Chàng đến từ từ và nói:

- Hai cô đến đây lâu chưa? Đang nói xấu người tốt phải không?

Hai chị em H’Ring giật nảy mình ôm choàng lấy nhau rơi xuống nước, tiếng cười của họ lại vang cả núi rừng. Sau khi cùng ngồi trò chuyện bên dòng thác, dưới gốc cây Kơnia, câu chuyện của ba người họ càng thắm thiết hơn, tuy không ai nói với ai, trong lòng hai chị em H’Ring đã bắt đầu yêu chàng trai và lúc này họ bắt đầu hỏi thăm về nhau cặn kẽ hơn.

- Anh ở buôn nào? Anh tên gì? H’Rao hỏi.

Nhưng chàng trai vẫn không trả lời. Rồi H’Ring lại nói:

- Anh phải nói tên mới được còn buôn làng không biết cũng chẳng sao.

Chàng trai nói:

- Hai cô muốn biết tên tôi thật à? Tên tôi xấu lắm!

H’Ring, H’Rao yêu cầu chàng trai nói.

- Tên tôi là Y Krông.

Hai chị em H’Ring giật mình. Lúc này ông mặt trời cũng đã xuống ngọn cây, hai chị em lại rủ Y Krông cùng về nhưng chàng trai cũng thêm một lần nữa từ chối, chàng trai nói chị em H’Ring hãy về trước.

Trên đường về, hai cô gái không còn chuyện trò đùa nghịch với nhau như lần trước nữa, ai cũng nghĩ chàng trai chỉ có một, còn mình thì là hai chị em. Hay chị làm vợ cả, em làm vợ hai của chàng, hai chị em họ nghĩ thế nhưng không ai nói cho ai biết. Về tới buôn làng họ cũng không kể cho ai biết sự gặp gỡ của họ và chàng trai, tự dưng họ không còn muốn đến thác nữa.

Đã bảy đêm trăng tròn trăng khuyết trôi qua, lòng H’Ring, H’Rao không lúc nào không nghĩ đến dòng thác lạ, lúc nào trong cái bụng của họ cũng nghĩ tới chàng trai. Họ lại đến chốn cũ hái rau, lượm củi, lần này thấy Y Krông họ vui mừng như vợ chồng lâu ngày mới gặp nhau.

Chàng trai hỏi:

- Sao lần này hai cô lâu đến vậy? Y Krông phải đợi hai cô lâu quá!

Chị em H’Ring vô cùng ngạc nhiên khi thấy Y Krông đứng trên mặt nước, bèn trả lời:

- Chúng tôi đã đi tìm anh khắp nơi, từ buôn trên xóm dưới nhưng không một ai biết anh cả. Hay là buôn làng anh ở đây?

- Nói đúng vậy. Chính đây là buôn làng của tôi và tôi chính là Thần sông ở đây. Y Krông trả lời.

Lúc này H’Ring, H’Rao cúi mặt xuống rồi bật khóc, hai cô khóc tức tưởi, khóc đến nỗi nước mắt của họ tuôn chảy như nước sông đầu nguồn.

Y Krông an ủi:

- Thật bụng tôi đã thương hai em. Nhưng vì tôi là Thần sông nên tôi không thể sống ở trên cạn được.

H’Ring, H’Rao đáp lại lời của Y Krông:

- Thì hai em cũng không ở dưới nước được.

Nói xong hai chị em thất vọng, giận dỗi quay mặt bước đi rồi nói:

- Thôi anh ở lại. Bây giờ chúng em còn phải về với cha mẹ đâ.

Vừa nói dứt câu hai chị em bước ra về, cả hai bên nghẹn ngào không nói thành tiếng vì tình cảm của họ đã rất thắm thiết. Họ đã có một thời gian dài yêu nhau nên hai cô quyến luyến không muốn ra đi. Bốn con mắt H’Ring, H’Rao nhìn chàng trai không dứt, họ ôm chặt lấy nhau vừa khóc, vừa bước ra về. Bỗng nhanh như chớp Y Krông lao vút lên bờ, chạy nhanh về phía hai cô gái. Chàng dang rộng cánh tay lực lưỡng và săn chắc ôm chặt lấy hai cô, nhưng hai cô gái đã ở quá xa tầm tay của Y Krông. Y Krông chỉ với tay cầm được búi tóc của hai cô. Y Krông tha thiết muốn hai cô ở lại bên mình nhưng H’Ring, H’Rao giằng lại không muốn ở. Sẵn có dao đi rừng trong gùi, H’Ring nhanh tay lấy cắt luôn một nửa búi tóc của mình, Y Krông cầm búi tóc trong nghẹn ngào rồi biến mất xuống dòng thác.

Kể từ ngày đó không còn nhìn thấy Y Krông nữa, H’Ring, H’Rao buồn bã lặng lẽ ra về, khi về buôn hai cô gái kể lại cho mọi người nghe, từ đó dân làng gọi nơi gặp gỡ giữa H’Ring, H’Rao và Y Krông là Krông Bǔk (con sông tóc) con sông mải miết chảy, hết đời này đến đời khác. Nhờ vào dòng chảy của con sông tóc, hình thành nên dòng thác đẹp đó là dòng thác Drai Êga, nơi chứng kiến sự chia ly lúc Thần sông giữ lại búi tóc của hai người con gái.

Đời này qua đời khác, không nhớ hết bao nhiêu lần trăng tròn, trăng khuyết, bao nhiêu mùa rẫy đã đi qua, dân làng còn truyền lại rằng, lúc trở về buôn tuy ở với cha mẹ, nhưng lòng của H’Ring, H’Rao lúc nào cũng tơ tưởng nghĩ đến Y Krông, họ không muốn lấy một người chồng nào khác, ở vậy sống cho đến già rồi qua đời và linh hồn của hai chị em họ đã được dòng sông tóc đưa về sống với Y Krông bên dòng thác Drai Êga, từ đó câu chuyện giữa chàng trai Y Krông (Thần sông) và hai chị em H’Ring, H’Rao còn lưu truyền mãi tới ngày nay.

Lại có chuyện kể rằng: Xưa kia, ở buôn người Êđê Adham sinh sống, trong một gia đình nọ có một người con gái đang độ tuổi tìm chồng. Nàng xinh đẹp, hiền lành, thùy mị, da nàng trắng như bông, khuôn mặt đẹp như nữ thần mặt trăng, mỗi khi cô chải tóc bên hiên nhà, mái tóc dài của cô buông xuống như một dòng suối, tiếng nói của cô trong vắt như tiếng con chim rừng đang hót lên gọi ánh bình minh về trên buôn. Hàng ngày chỉ quen lên rừng hái rau, lượm củi, lấy nước bên suối về giúp cho cha mẹ. Cô xinh đẹp lại chăm chỉ nên dân làng ai cũng mến, các chàng trai thầm yêu, trộm nhớ mong được cô bắt về làm chồng nhưng chưa có một chàng trai nào được cô chấp thuận.

Một buổi sáng khi cha mẹ cô qua làng bên thăm gia đình người quen. Lòng cô rộn ràng biết bao tâm sự và nỗi ưu phiền không biết cùng ai chia sẻ, cô cùng các cô gái trong buôn rủ nhau lên rừng hái nấm, bẻ măng.

Trong lúc mọi người đang mải mê ca hát, vui đùa thì cô gái bị lạc vào một dòng thác, thấy dòng thác tung bọt trắng rất đẹp mắt, cô ngồi xuống nghỉ ngơi và thưởng thức, đang say mê thả hồn vào cảnh đẹp của thiên nhiên, nghe tiếng suối reo, tiếng lá rơi hòa lẫn với tiếng chim kêu, tất cả như một bản nhạc hòa tấu trữ tình, cô như đứng lặng trước sự xuất hiện của một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, chàng to lớn khỏe mạnh phi thường, có thể vật ngã một con hổ trong rừng và nhổ bật một gốc cây đại thụ, các chàng trai buôn Đông, làng Tây đều kính nể.

Qua vài lời thăm hỏi, trò chuyện, cô gái biết được chàng trai là con mồ côi và nghèo khổ trong buôn, lúc này họ cảm thấy rất gần gũi nhau như đã quen từ lâu lắm rồi. Cứ thế họ ngồi mãi bên nhau với biết bao tâm sự, chỉ khi trước mắt họ mặt trời đã ngả về Tây, bóng chiều tà chuẩn bị bao trùm xung quanh, cô gái mới sửa soạn ra về. Rồi tình cảm của họ ngày càng gắn bó và thắm thiết hơn, họ thường xuyên gặp nhau, hết mùa rẫy này đến mùa rẫy khác, họ đã đem lòng yêu thương nhau, hàng ngày họ thường rủ nhau lên rừng hái rau, lượm củi, gần gũi gắn bó với nhau như đôi chim Kơtia và dường như họ không thể thiếu nhau, họ đã có biết bao lời hẹn thề với nhau sau này sẽ cùng ở một nhà, cùng sưởi chung một bếp lửa.

Năm tháng trôi qua, hết trăng tròn rồi trăng khuyết, vào một ngày, khi cô gái đi hái rau, lượm củi trên rừng về thì thấy trong nhà rất đông người, hỏi ra mới hay rằng, cha mẹ cô cùng bà con họ hàng đang bàn chuyện đến cuối mùa rẫy sẽ đi hỏi chồng cho cô lấy một tù trưởng giàu mạnh ở buôn bên cạnh. Biết chuyện, cô gái rất buồn, cô cầu xin cha mẹ, bà con họ hàng rồi kể lại chuyện tình cảm của mình với chàng trai nghèo kia nhưng không được chấp nhận. Ngày hôm sau, khi đã làm xong mọi việc, cô gái ra dòng thác đợi người yêu để giãi bày nỗi niềm của mình cho chàng hay. Nhưng đợi mãi vẫn không thấy chàng xuất hiện, cô trách Yang núi, Yang sông sao nỡ bắt họ phải chia lìa nhau, cô gái ngồi chờ đợi người yêu mấy ngày trôi qua nhưng vẫn không thấy. Quá buồn bã, cô nhảy xuống dòng thác Drai Êga đang chảy xiết để được bên nhau như lời hẹn ước. Khi chàng trai biết tin người yêu vì quá đau buồn, không được cha mẹ chấp nhận cho lấy chàng, bắt phải lấy một tù trường giàu mạnh ở buôn bên. Chàng trai vừa trở về bên dòng thác thì thấy người yêu đang chìm dần trong dòng nước hung dữ. Chàng đi tìm xác người yêu, tìm mãi, tìm mãi nhưng vẫn không thấy. Đột nhiên, chàng trai thấy trước mắt mình như có bóng tối bao trùm tất cả, rồi chàng trai gục xuống cạnh dòng thác Drai Êga. Mấy ngày sau, chàng trai biến thành cây dây mọc xung quanh dòng thác, vươn lên như đang chờ đợi và tìm kiếm người yêu.

Ngoài tên gọi Drai Êga, thác còn có tên gọi khác là thác Buôn Tring vì gắn liền với lịch sử và đời sống của người dân Buôn Tring. Đây là một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ghi dấu chiến công của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 và Đại đội 3, Tiểu đoàn 301 đã bám trụ đất Buôn Tring, xứng đáng là những người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp cao cả của đất nước.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử và tiềm năng du lịch, ngày 14/12/2012, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định xếp hạng Drai Êga là Di tích Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

Một số hình ảnh về Di tích:



Nhận xét và đánh giá


Tất cả
(Từ tổng số nhận xét)

Lịch trình mẫu

Lưu trú

Ẩm thực

Giải trí