Danh lam thắng cảnh Thác Bay

Giới thiệu

Giá: Miễn phí

Số điện thoại: (0262) 3.852.405

Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút

Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH

Email: vhttdl@daklak.gov.vn

Địa chỉ: xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk

Thác Bay - ngọn thác hùng vĩ nằm giữa đại ngàn thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 80km về hướng Đông. Vào mùa mưa, dòng thác cuồn cuộn đổ xuống, dội vào vách đá làm cho những hạt nước, bụi nước nhỏ li ti bay lên cao bên ghềnh thác, nhìn từ xa giống như những làn sương trắng phất phơ, thơ mộng và huyền ảo, do đó dân quanh vùng đã gọi tên dòng thác là Thác Bay. Ngoài ra, người Êđê nơi đây còn có một tên gọi khác đó là Drai Dhul, trong đó: Drai có nghĩa là thác, Dhul có nghĩa là sương mù, sương khói; Drai Dhul có nghĩa là thác có sương mù, sương khói bay lên. Chỉ riêng cách gọi tên cũng đã mô tả trọn vẹn vẻ đẹp của thác, cùng với đó là câu chuyện về chàng dũng sỹ Đăm Ji đi tìm nguồn nước cứu giúp buôn làng. Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, tại một buôn của người Êđê Adham, nhờ ông trời ban cho mưa thuận gió hòa, buôn làng có cuộc sống no đủ, sung túc, thóc lúa ... Xem thêm

Bản đồ

Giới thiệu

×

Thác Bay - ngọn thác hùng vĩ nằm giữa đại ngàn thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 80km về hướng Đông. Vào mùa mưa, dòng thác cuồn cuộn đổ xuống, dội vào vách đá làm cho những hạt nước, bụi nước nhỏ li ti bay lên cao bên ghềnh thác, nhìn từ xa giống như những làn sương trắng phất phơ, thơ mộng và huyền ảo, do đó dân quanh vùng đã gọi tên dòng thác là Thác Bay.

Ngoài ra, người Êđê nơi đây còn có một tên gọi khác đó là Drai Dhul, trong đó: Drai có nghĩa là thác, Dhul có nghĩa là sương mù, sương khói; Drai Dhul có nghĩa là thác có sương mù, sương khói bay lên. Chỉ riêng cách gọi tên cũng đã mô tả trọn vẹn vẻ đẹp của thác, cùng với đó là câu chuyện về chàng dũng sỹ Đăm Ji đi tìm nguồn nước cứu giúp buôn làng.

Chuyện kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa, tại một buôn của người Êđê Adham, nhờ ông trời ban cho mưa thuận gió hòa, buôn làng có cuộc sống no đủ, sung túc, thóc lúa đầy chum, trâu bò đầy sân, cồng chiêng treo khắp nhà.

Thế rồi không hiểu chuyện gì xảy ra mà mấy mùa rẫy liền, trời không cho mưa xuống, làm cho bến nước, dòng suối gần buôn khô cạn, mùa màng bị mất, trâu bò, vật nuôi không có nước uống, lăn ra chết như ngả rạ. Dân làng cho rằng trong buôn có ai đó đã làm chuyện sai trái, đắc tội với thần linh, nên thần linh trừng phạt. Mặc dù đã giết nhiều trâu, mổ nhiều bò, nhiều rượu cần, cúng dâng lên thần linh, thế nhưng thần linh dường như vẫn trừng phạt không ban mưa xuống, sông suối, bến nước vẫn cứ khô cạn, rẫy nương không thể trồng trỉa, cuộc sống bà con bị chết dần, chết mòn.

Một hôm, già làng cho mời Tù trưởng trong buôn đến bàn cách cứu dân làng, họ quyết định cử người đi tìm nguồn nước để cho dời buôn, lập làng đến nơi ở mới.

Trong buôn có rất nhiều thanh niên trai tráng, nhưng già làng và tù trưởng đã chọn và giao nhiệm vụ cho Đăm Ji đi tìm nguồn nước để cứu buôn làng.

Nhắc đến chàng Đăm Ji trong buôn, ai cũng biết và nể phục, bởi chàng có tướng mạo phi thường, chân tay rắn chắc như đá, sức khỏe như trăm con trâu rừng, chàng Đăm Ji lại có tài săn bắn, giỏi múa kiếm, khi mỗi nhát kiếm chàng vung ra là muông thú khiếp sợ. Khi biết chàng Đăm Ji được già làng chọn là người đi tìm nguồn nước cho buôn, trong buôn làng ai cũng ủng hộ.

Ngày hôm sau, Đăm Ji cùng thanh niên trai tráng trong buôn mang theo hành trang đi về hướng mặt trời mọc để tìm nguồn nước. Đoàn đã đi mấy ngày liền, vượt qua không biết bao nhiêu rừng rậm, núi cao, tìm mãi, tìm mãi nhưng vẫn không thấy dòng suối nào có nước. Các thành viên trong đoàn ai cũng cảm thấy mệt mỏi, cái miệng lại khát, trong rừng lại không có giọt nước để uống, quá mệt mỏi nên đoàn dừng chân bên một tảng đá lớn để nghỉ ngơi.

Trong khi đang tuyệt vọng chưa biết xử lý như thế nào, đang cầm cây kiếm trên tay chàng Đăm Ji liền vung một nhát kiếm xuống đất, nhát kiếm vừa đâm xuống thì bỗng nhiên trời đất cùng cây cối rung chuyển, đất đá lở ầm ầm. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì một dòng suối hiện ra trước mắt, nước chảy xiết, chàng Đăm Ji hét to đầy vui sướng vì đã có nước để cứu được cơn khát cho cả đoàn. Đang lúc vui mừng, chàng đưa tay vung liền bảy nhát kiếm xuống đất, lúc này ở phía Tây cũng thấy đá lở, đất rung, muông thú hoảng loạn, Đăm Ji cùng mọi người trong đoàn tới xem và không tin vào mắt mình khi nhìn thấy một dòng suối nữa hiện ra. Cả đoàn hết sức vui mừng, chạy về buôn báo tin cho già làng và bà con trong buôn biết, nhờ có nhát kiếm của Đăm Ji mà khu vực phía đông đã hiện ra hai dòng suối với dòng nước chảy xiết.

Nghe tin ở phía Đông xuất hiện hai dòng suối có nhiều nước, già làng và các tù trưởng quyết định cho di dời buôn làng mình đến nơi ở mới, nơi có nguồn nước mà đoàn của Đăm Ji đã tìm được. Nhờ có hai dòng suối với nguồn nước dồi dào nên buôn làng của Đăm Ji có được cuộc sống no đủ trở lại, dân làng ai cũng biết ơn Đăm Ji, xem chàng như dũng sĩ đã cứu giúp buôn làng tránh được nạn khô hạn kéo dài.

Không những là nơi mang lại sự sống mới cho buôn làng, mà trên dòng suối do những nhát kiếm của dũng sĩ Đăm Ji tạo thành trong hành trình đi tìm nguồn nước để cứu buôn làng, ở trong rừng thẳm núi sâu, dấu tích tảng đá nơi đoàn của chàng Đăm Ji ngồi nghỉ chân, nơi nhát chàng Đăm Ji vung xuống đã hình thành một ngọn thác hũng vĩ, còn dấu tích do mũi kiếm chàng Đăm Ji găm vào đá đã trở thành hồ nước rất lớn phía dưới ngọn thác.

Về sau dân làng đặt cho hai dòng suối là suối Ea Đăh và suối Ea Púk, nhắc đến tên dòng suối này người dân trong buôn ai cũng tôn kính, coi hai dòng suối như các vị thần, là suối thiêng, đến đây bắt cá, lấy nước uống phải hết sức tôn kính, không buông từ ngữ xúc phạm đến thần suối, nếu không sẽ bị thần suối nổi giận sẽ dâng nước gây lũ lụt để cuốn trôi người đã có hành vi xúc phạm. Khi bà con trong buôn đến suối đánh bắt cá nếu khen suối này nhiều tôm cá mới bắt được cá, tôm đầy gùi, nếu chê suối ít cá hoặc không có cá, suối sẽ không cho cá, có bắt cả ngày họ cũng không được một con cá nào.

Đối với ngọn thác hùng vĩ trên suối gắn liền với truyền thuyết suối thần do nhát kiếm chàng Đăm Ji tạo thành, người dân buôn làng gọi là thác Drai Dhul, chính là danh thắng thác Thác Bay nằm trong rừng Ea Sô ngày nay.

Thác Bay nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nên vẫn giữ được các giá trị nguyên sơ, với hệ động thực vật phong phú đa dạng. Trong bối cảnh du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đang trở thành những hoạt động ưa thích của nhiều du khách, Thác Bay chính là địa chỉ hết sức lý tưởng để cho du khách có thể đến tham quan, thưởng ngoạn.

 

 

Nhận xét và đánh giá


Tất cả
(Từ tổng số nhận xét)

Lịch trình mẫu

Lưu trú

Ẩm thực

Giải trí