Du lịch với thổ cẩm

07/08/2019 5587 0
Hiện nay có không ít làng nghề dệt thổ cẩm của người Êđê, M’nông trên địa bàn Đắk Lắk đã mạnh dạn kết hợp với du lịch nhằm vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng truyền thống giàu bản sắc này.

Ý tưởng trên được một số nhóm hộ, hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm ở TP. Buôn Ma Thuột như buôn Alê A (phường Ea Tam), Đăm Ye (Tân An), Akô Dhông (Tân Lợi), Tơng Bông (xã Ea Kao) và buôn Ea Bông (xã Cư Êbur)… triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình.         

Để làm được điều đó, họ đã có bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng và chu đáo. Amí Ruông (buôn Akô Dhông) cho biết: Ngoài việc tích cực sưu tầm, thiết kế mẫu mã mới lạ và bắt mắt; truyền dạy nghề cho con cháu, gắn với đầu tư mở rộng quy mô sản xuất… thì vấn đề tìm cách giới thiệu, quảng bá văn hóa thổ cẩm cho du khách cũng được cộng đồng quan tâm,  xem đó là cầu nối đưa khách hàng đến với mặt hàng truyền thống này. Những nỗ lực ấy đã nhanh chóng mang lại không khí và sức sống mới cho làng nghề thổ cẩm khi khách du lịch tìm đến với nghề dệt thổ cẩm của bà con. Qua việc giới thiệu, quảng bá và phô diễn văn hóa thổ cẩm của các nghệ nhân, du khách thật sự thích thú và ngỡ ngàng. Nhờ vậy một số mặt hàng chủ lực và công phu nhất như váy, khố, áo, tấm đắp… được bán với giá khá cao, đủ cho chị em trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất.

Thế hệ nối tiếp nghề dệt thổ cẩm ở buôn Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).
Thế hệ nối tiếp nghề dệt thổ cẩm ở buôn Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm cho rằng, trên tinh thần ấy, nếu được sự “tiếp sức” của Nhà nước, mà trực tiếp là chính quyền địa phương về vấn đề quy hoạch, vốn đầu tư, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề thổ cẩm đúng mức và quyết tâm hơn nữa thì thổ cẩm sẽ sống lại trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nó không những hiện diện trên sàn diễn thời trang, trong các dịp lễ hội mà ngay trong nếp sinh hoạt thường nhật của cộng đồng cũng sẽ thấy bóng dáng thổ cẩm nhiều hơn. Được biết, ngành văn hóa Đắk Lắk đã có đề án cụ thể và khả thi để vực dậy nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc thiểu số tại chỗ. Bộ phận nghiệp vụ (Sở VH-TT-DL) đã phối hợp với nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong làng thổ cẩm nghiên cứu, tìm hiểu và văn bản hóa các yếu tố văn hóa đặc sắc về thổ cẩm để giúp bà con có “cẩm nang”  nhằm quảng bá và phát triển mặt hàng này. Bởi bất kỳ một ngành nghề nào, khi vốn văn hóa của nó có bề dày và độc đáo thật sự thì sức hút, sự lan tỏa đến với người tiêu dùng là rất lớn và rất giàu tiềm năng – bà Linh Nga chia sẻ thêm.


Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân tâm huyết với nghề vẫn cảm thấy chưa yên tâm trước mối liên kết bền vững giữa văn hóa thổ cẩm với du lịch hiện nay. Chị H’Tha Ni Êban (buôn Ea Bông) trăn trở, làm sao để đưa vốn văn hóa (kèm theo sản phẩm) đến với nhiều khách hàng mới là điều quan trọng. Bà con làm nghề trong các buôn làng còn hạn chế về khả năng quảng bá, giới thiệu và tiếp cận thị trường, phải trông cậy vào các đơn vị, cơ quan chuyên môn giúp sức mới thành công. Nhất là ngành văn hóa, du lịch trực tiếp đưa đón, hướng dẫn khách hàng đến với làng nghề thổ cẩm để tìm hiểu, trải nghiệm và mua sắm thì nên có cam kết với bà con – ấy là không những góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm, mà còn quan tâm hỗ trợ mức đầu tư tương đối cho người làm nghề mua nguyên vật liệu sản xuất, xây dựng và thiết kế dịch vụ kèm theo nhằm phục vụ “thượng đế” tốt hơn, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển chung của hai bên – thổ cẩm và du lịch trong xu thế du lịch cộng đồng đang được du khách ưa chuộng hiện nay.

“Yếu tố văn hóa cũng như mỗi sản phẩm thổ cẩm của mỗi cộng đồng, làng nghề không tự thân đến được với khách hàng, mà cần sự vào cuộc từ nhiều phía: Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp. Một khi mối liên kết ấy thật sự bền chặt và có trách nhiệm với nhau thì thổ cẩm ở đây mới phát triển một cách bền vững”.

 Nghệ nhân H’Tha Ni Êban, buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột

 

 

Nguồn : Báo Đắk Lắk

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu