Di tích danh lam thắng cảnh thác Drai Dăng

Introdution

Price: Free

Phone: (0262) 3.858.358

Time to visit a place: 120 phút

Open Time: 7:00 AM - Close Time: 6:00 PM

Email: vhttdl@daklak.gov.vn

Address: Ea KNuec commune , Krong Pac district, Đắk Lắk privince

Thác Drai Dăng nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30km về phía Đông, thuộc địa phận xã Ea Knuếc, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk. Trong tiếng của người Êđê: Drai có nghĩa là Thác, Dăng có nghĩa là dài, gắn liền với câu chuyện về trận đấu kiếm so tài quyết liệt giữa chàng Y San và Aê Yang Mya (Thần Cá sấu), trận đấu đã lưu lại dấu tích là những vết chém dài trên vách, tảng đá lớn trong lòng dòng thác. Drai Dăng có nghĩa là thác dài hay là thác có dấu tích của những vết chém dài. Đã bao mùa rẫy đi qua, bao lần trăng tròn, trăng khuyết, người Ê đê ở buôn Kang, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc cũng không nhớ nổi, họ chỉ nhớ được một truyền thuyết được lưu truyền từ đời này sang đời khác, đó là truyền thuyết về thác Drai Dăng: Thuở ấy, ở trong vùng có một tù trưởng giàu mạnh, nhà dài tiếng chiêng ngân không hết, sừng tê giác, ngà voi, xương cọp treo chật nhà trong, đầy nhà ngoài; thóc lúa nhiều vô kể; trâu bò đi ăn từng đàn, kín ... View more

Map

Introdution

×

Thác Drai Dăng nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30km về phía Đông, thuộc địa phận xã Ea Knuếc, huyện Krông Păc, tỉnh Đắk Lắk.

Trong tiếng của người Êđê: Drai có nghĩa là Thác, Dăng có nghĩa là dài, gắn liền với câu chuyện về trận đấu kiếm so tài quyết liệt giữa chàng Y San và Aê Yang Mya (Thần Cá sấu), trận đấu đã lưu lại dấu tích là những vết chém dài trên vách, tảng đá lớn trong lòng dòng thác. Drai Dăng có nghĩa là thác dài hay là thác có dấu tích của những vết chém dài.

Đã bao mùa rẫy đi qua, bao lần trăng tròn, trăng khuyết, người Ê đê ở buôn Kang, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc cũng không nhớ nổi, họ chỉ nhớ được một truyền thuyết được lưu truyền từ đời này sang đời khác, đó là truyền thuyết về thác Drai Dăng:

Thuở ấy, ở trong vùng có một tù trưởng giàu mạnh, nhà dài tiếng chiêng ngân không hết, sừng tê giác, ngà voi, xương cọp treo chật nhà trong, đầy nhà ngoài; thóc lúa nhiều vô kể; trâu bò đi ăn từng đàn, kín bãi, chật buôn.

Tiếng tăm của tù trưởng vang khắp buôn Đông, làng Tây không chỉ vì giàu có mà còn vì tù trưởng có một cô con gái tên là H’Nết xinh đẹp nhất vùng. Da nàng trắng như bông, tóc dài như dòng suối, tiếng nói nhẹ nhàng êm ái như tiếng hót chim rừng. Biết bao nhiêu chàng trai trong vùng muốn được nàng bắt về làm chồng nhưng đều không được sự chấp thuận của cha nàng.

Để kén rể cho người con gái xinh đẹp của mình, tù trưởng đã tổ chức các cuộc thi tài võ nghệ giữa các chàng trai trẻ trong vùng để chọn ra người tài nhất xứng đáng với người con gái xinh đẹp của mình. Các cuộc so tài, đọ sức cứ thế diễn ra ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, cuối cùng chỉ còn lại hai chàng trai tài giỏi nhất được tuyển chọn qua các vòng đấu, đó là Aê Yang Mya (Thần Cá sấu – là con của thần Đá trên núi Čư Dju) và chàng Y San.

Cuộc so tài của hai người này diễn ra rất ác liệt, gay cấn. Những bước chân của Aê Yang Mya và chàng Y San trong cuộc so tài di chuyển đến đâu, đất đá nơi đó đều sụp đổ tạo thành thung lũng hoặc là những hồ nước lớn.

Cuối cùng họ đã quyết chiến một trận đấu kiếm lớn để phân thắng bại, những đường kiếm của cả hai người đi đến đâu cây cối đều nghiêng ngả, những tảng đá khổng lồ đều biến dạng. Khi không còn đủ sức để đánh lại Aê Yang Mya, chàng Y San thua cuộc bỏ chạy, chàng chạy mãi ra đến dòng sông Sêrêpôk rồi biến mất. Aê Yang Mya là người thắng cuộc nên được tù trưởng chọn làm chồng cho con gái của mình là nàng H’Nết xinh đẹp, họ đã sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.

Cuộc đọ sức tranh tài giữa chàng Y San và Aê Yang Mya với các đường kiếm quyết liệt đã chặt đứt những quả đồi, ngọn núi trong vùng tạo nên những dòng suối nhỏ chảy quanh co trong các buôn làng, chính những dòng suối nhỏ đã tạo nên dòng thác Drai Dăng huyền thoại với vô vàn những dấu tích của những vết chém dài cho đến tận ngày nay.

Nằm trên dòng suối Ea Knuếc, thác Drai Dăng được bắt nguồn từ cầu 21 (km 21 – quốc lộ 26) chảy qua thôn Tân Sơn, xã Ea Knuếc. Đến với thác Drai Dăng du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp thơ mộng, hoang sơ và hùng vĩ, được tận hưởng không khí mát mẻ trong lành. Nơi đây thật sự là một địa điểm lý tưởng giúp con người về với thiên nhiên, xua tan đi những mệt mỏi của cuộc sống.

Thác Drai Dăng có ba tầng, trải dài trông giống như những dải lụa trắng trên nền bức tranh cao nguyên xanh thẳm. Tại nơi dòng thác chính, vách đá không dựng đứng mà thoai thoải xuống với vô vàn những nấc thang nhỏ trên vách đá gợi sự liên tưởng đến câu chuyện truyền thuyết về dòng thác, về những vết chém của Yang Mya và chàng Y San ngày xưa để lại trong trận giao chiến cuối cùng để phân thắng bại.

Trên vách đá chính, ngày đêm tuôn trào những dòng nước mát, nước tung bọt trắng xóa tạo nên vô vàn bụi nước li ti. Dưới chân thác có nhiều tảng đá bằng phẳng, đây là nơi thích hợp cho du khách dừng chân nghỉ ngơi sau khi khám phá, thưởng ngoạn những tầng thác trên cao, cảm nhận sự hiền hòa và thơ mộng của dòng thác.

Cùng với các di tích địa bàn tỉnh, thác Drai Dăng là một địa điểm lý tưởng để xây dựng, phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, phát triển du lịch. Đến với thác Drai Dăng, bên cạnh thưởng ngoạn vẻ đẹp của dòng thác, du khách còn có cơ hội khám phá những nét đặc trưng văn hóa độc đáo của đồng bào Êđê ở buôn Ea Ñaih, buôn Kang, buôn Pu của xã Ea Knuếc, huyện Krông Păc. Trong ngôi nhà dài Êđê, gặp gỡ các già làng để nghe kể về truyền thuyết liên quan đến thác Drai Dăng, hòa mình vào những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, những điệu múa, âm nhạc cồng chiêng, bên bếp lửa hồng thưởng thức những ché rượu cần thơm ngon, các món ăn đặc sản của núi rừng cao nguyên,… sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời đối với những ai yêu thích, muốn khám phá, tìm hiểu về thiên nhiên, văn hoá và con người nơi đây.

Review and Evaluation


Alls
(From total review)

Sample Plan

Entertainment