Di tích danh lam thắng cảnh Thác Drai Yông

xã Ea M'nang, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk
phongqldl@vhttdl.daklak.gov.vn
(0262) 3.858.358

Dịch vụ

Mô tả

Thác Drai Yông cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 22 km về hướng Tây Bắc, thuộc địa bàn hai xã: Ea M’nang, huyện Cư Mgar và Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn. Trong tiếng Ê đê: Drai có nghĩa là thác, Yông có nghĩa là đòn dông (ngoài ra còn có nghĩa là nước đổ mạnh). Drai Yông có nghĩa là “thác đòn dông” hay “thác nước đổ mạnh”. Ngoài ra dòng thác này còn có tên gọi là thác Ea M’nang, đây là cách gọi của người Kinh sinh sống trong vùng bởi thác nằm trên địa phận xã Ea M’nang.

Theo lời kể của già làng buôn Pôk, xã Ea M’nang, huyện Čư M’gar: Đã nhiều mùa rẫy trôi qua không còn ai nhớ nữa, thuở ấy, ở buôn nọ có một tù trưởng giàu có, tham lam và độc ác tên là M’Tao M’Xây. Buôn hắn dài rộng, con voi đi bảy ngày đường mới hết, tôi tớ trong nhà, người ra kẻ vào tấp nập, vai sát vai, ngực sát ngực. Trâu, bò, gà, heo, voi, ngựa của hắn nhiều vô kể, đi chật bãi kín đồi. Ngà voi, sừng tê giác, ngọc ngà châu báu để chật nhà bên Đông, nhà bên Tây. Giàu có như vậy nhưng lòng tham của hắn là vô đáy. Hàng năm, hắn bắt dân làng gần xa mỗi gia đình phải nộp ba con trâu, ba con bò và những động vật quý bắt được trên rừng, nếu ai không nộp đủ thì hắn đốt nhà và đuổi vào rừng; chính vì vậy mà dân trong buôn ai cũng căm thù hắn. Một hôm, hắn nghe mọi người đồn rằng ở cánh rừng phía Nam đột nhiên có khoảng gần chục cây bằng lăng cao tới hơn 100m, gốc to cả chục người ôm không xuể, nếu ai chặt được những cây đó về làm đòn dông của ngôi nhà dài thì người đó sẽ vô cùng giàu có vì bằng lăng là chúa tể của các loại cây trong rừng. Biết được tin đó, ngày hôm sau M’Tao M’Xây liền sai 100 trai tráng vào rừng tìm chặt cây bằng lăng. Đoàn người vượt suối băng rừng, đi suốt cả bảy lần trăng tròn, bảy lần trăng khuyết mà vẫn không thể nào chặt được những cây gỗ này vì những nhát rìu, xà gạc cứ gần chạm vào thân cây lại bật ngược ra. Đoàn người rất sợ hãi cho rằng đây là những cây gỗ của Yang nên họ đành phải quay trở về buôn. Tên tù trưởng thất vọng, giận dữ, hắn cho tôi tớ đốt nhà các chàng trai và đuổi họ cùng vợ con vào rừng. Hắn lại sai 100 chàng trai khác đi, nhưng họ cũng không chặt được. Các chàng trai ấy cũng bị tên tù trưởng đốt nhà, đuổi vào rừng. Lại 100 chàng trai khác được cử vào rừng chặt cây nhưng rồi họ cũng chung số phận như những chàng trai trước.

Tuy thất bại liên tục nhưng M’Tao vẫn kiên quyết phải chặt cho bằng được những cây bằng lăng đó để làm đòn dông cho ngôi nhà dài lớn chưa từng có từ trước tới nay (bởi vì ngôi nhà dài lớn nhất của các tù trưởng lúc đó chỉ dài tới 100m và được ghép từ những thân cây cao 10 – 20m). Hắn đã tập hợp tất cả con cái, anh em họ hàng xa gần thành một đoàn người đi vào rừng do hắn chỉ huy. M’Tao M’Xây và đoàn người tìm được khoảng chục cây bằng lăng kỳ lạ đó, lạ thay khi M’Tao đưa xà gạc lên chặt cây thì xà gạc không bật ngược ra nữa, hắn và con cái họ hàng đã phải thay nhau chặt gốc cây hết 14 lần trăng tròn, 14 lần trăng khuyết và thêm 14 lần trăng tròn, 14 lần trăng khuyết nữa để đẽo gọt thành đòn dông của nhà dài. Sau khi hoàn thành xong tất cả đoàn người cùng nhau khiêng đòn dông đó để về nhà. Tuy nhiên, khi mọi người vừa ghé vai vào để khiêng đòn dông thì trời đột nhiên nổi sấm chớp, gió lớn giật từng cơn, mưa trút xuống như thác đổ, nước cuốn ào ạt rồi đột nhiên chỗ đoàn người đứng đất lún sâu xuống và một cột nước khổng lồ phun lên cuốn theo M’Tao M’Xây cùng tất cả con cháu, anh em, họ hàng và gần chục cây đòn dông bay lên trời cao. Sau khi mưa tạnh, gió yên, cảnh vật khu rừng trở lại bình thường thì chỗ cột nước khổng lồ biến thành một ngọn thác, ngày đêm tung bọt trắng xóa cả núi rừng. Tiếng thác nước ầm ầm nghe rất vui tai tựa như tiếng cười của Yang vì đã trừ hại được tên tù trưởng độc ác cùng con cháu anh em, họ hàng tham lam của hắn. Dân làng của M’Tao M’Xây đã mở hội ăn mừng, gia đình của tất cả những chàng trai trước đây bị M’Tao đốt nhà đuổi vào rừng cũng đã quay về sinh sống tại buôn cũ. Mọi người cùng nhảy múa hát ca xung quanh ché rượu cần nồng ấm. 

Để ghi nhớ công ơn của Yang và núi rừng đã giết chết những kẻ độc ác nên buôn làng gọi ngọn thác đã chôn vùi M’Tao là Drai Yông (Thác Đòn Dông) và tên gọi Drai Yông đã tồn tại từ đó cho đến ngày nay.

Ngoài ra, còn một dị bản nữa liên quan đến thác Drai Yông: Ngày xưa, khi người Ê Đê mới đến lập buôn ở vùng đất này, thiên nhiên không ưu ái con người. Cả khu vực rộng lớn không hề có một con sông nào chảy qua, cuộc sống bộn bề khó khăn vất vả. Giữa chốn rừng thiêng, con người ốm đau bệnh tật liên miên, nguồn nước uống thì chưa tìm được. Già làng bèn kêu gọi mọi người tập trung lại để cùng nhau tạo sức mạnh đoàn kết chống lại các loài thú dữ và thiên tai dịch bệnh, trong đó việc đi tìm nguồn nước uống được ưu tiên hàng đầu .

Theo lời kêu gọi của già làng, sáng hôm sau dân làng cùng nhau tỏa đi tìm nguồn nước mới, họ đi mãi, đi mãi dọc theo con suối cạn, đi đến bảy ngày bảy đêm mà không sao tìm được nước. Quá thất vọng, đoàn người đành ngồi nghỉ ở gần một cái hang bên cạnh dòng suối cạn, tại đây họ tổ chức nghi lễ cúng thần linh để cầu xin ban mưa xuống cứu giúp dân làng trong lúc đói khổ nhưng họ chờ mãi, ngày này sang ngày khác mà không thấy sự biến chuyển của đất trời. Đoàn người đành ra về trong sự thất vọng khôn nguôi.

Đêm hôm đó, khi buôn làng còn chìm trong giấc ngủ, bỗng từ đâu có tiếng kêu vang động núi rừng, tiếng kêu như gió rít muốn quật ngã cành cây Kơ nia cổ thụ, tiếng kêu đó nghe như tiếng của các loài thú dữ, người già, trẻ con hốt hoảng, chim chóc bay tản lạc trong đêm. Già làng bèn cho gọi cấp tốc một nhóm thanh niên và một số người có kinh nghiệm đi tìm nguồn gốc tiếng kêu đó để biết rõ thực hư. Lần theo tiếng kêu, họ phát hiện âm thanh đó do những con jik yông (ếch) tạo ra, chúng nằm phơi mình trên các bãi đá bên cạnh cái hang do đoàn người đã làm lễ cúng thần linh của những ngày trước đó. Từ nơi những con jik yông nằm có dòng nước trong vắt, mát rượi bắt đầu chảy ra trên con suối cạn và theo tiếng kêu ngày càng lớn thì dòng nước cũng lớn dần lên. Dân làng nhìn thấy rất vui mừng, họ cho rằng những con jik yông này do thần linh phái xuống đễ hỗ trợ dân làng trong việc giúp đỡ dân làng tìm ra nguồn nước đảm bảo sự sống.

Sáng hôm sau, già làng đã triệu tập bà con trong buôn để cảm ơn thần linh đã phái jik yông xuống tương trợ, già làng bàn với mọi người tìm một con trâu đực trắng để làm lễ vật dâng cúng thần linh. Lễ cúng được tổ chức ngay trong ngày tại cái hang đầu nguồn con suối cạn.

Khi thầy cúng khấn xong, từ bãi đá nơi những con jik yông nằm nước chảy ra ngày càng nhiều, dần dần dâng tràn qua các bãi đá và đổ xuống miệng hang tạo ra một dòng thác ngày đêm tung bọt trắng xóa, tiếng thác nước ầm ầm, vui nhộn, tựa như hòa cùng nỗi lòng của dân làng già trẻ, gái trai trong buôn. Họ reo hò, vui sướng và mở hội ăn mừng liên tục để cảm tạ thần linh đã thấu hiểu sự khẩn cầu của họ.

Cũng từ đó, thác được đặt tên là thác yông (hay còn gọi là jik yông). Để ghi nhớ công ơn của những con ếch đã cho buôn làng có được nguồn nước năm ấy và tên gọi Drai Yông đã tồn tại từ đó cho đến ngày nay.

Thác Drai Yông là một dòng thác đẹp nằm ở trung nguồn suối Ea Tul – một dòng suối bắt nguồn từ suối Kǒ Čư Kpô, huyện Krông Buk. Suối Ea Tul có dòng chảy từ Đông sang Tây, cuối cùng đổ ra con sông huyền thoại Sêrêpôk. Trên dòng chảy của mình, dòng suối này tạo nên ba dòng thác đẹp là thác Drai Kroa, Drai Yông và Drai Mpǐ. Trong hệ thống thác này, Drai Yông là thác thơ mộng và hùng vĩ nhất.

Thượng nguồn Drai Yông là cả một dòng suối rộng gần 100m, bờ phía Bắc là những bụi tre, khóm nứa mọc đan xen nhau và những cánh rừng tái sinh được chính quyền địa phương cho trồng để khôi phục cảnh quan, tạo môi trường cho di tích. Bờ phía Nam là những thảm cỏ xanh mượt và cánh đồng ngô tươi tốt, từng đàn trâu đang gặm những đám cỏ non. Dòng nước lững lờ trôi hòa quyện với tiếng sáo mục đồng vang lên trong không gian tạo nên một khung cảnh yên ả, thanh bình. Khi chỉ còn cách nơi thác đổ khoảng 10m, nước từ thượng nguồn bỗng cuồn cuộn chảy về, bất chợt đứt gãy đổ xuống một thung lũng sâu tạo nên dòng thác Drai Yông.

Nơi thác đổ có chiều rộng khoảng 80m và chiều cao khoảng 12m, nước cuồn cuộn đổ tạo ra những âm thanh vang vọng cả một vùng. Hơi nước, bụi nước từ dòng thác bay trắng xóa, mù mịt tựa như màn sương và cứ bay lơ lửng trong không khí, khi ánh mặt trời chiếu xuyên qua màn hơi nước này nó trở thành lăng kính khuyếch tán ánh sáng tạo ra những dải cầu vồng rực rỡ huyền ảo dưới ánh nắng ban mai.

Với cảnh quan thiên nhiên nên thơ, khoáng đạt, không khí trong lành và thoáng mát, thác Drai Yông là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch, có sức hút rất lớn đối với những người đam mê các hoạt động dã ngoại ngoài trời, muốn tìm về thiên nhiên để xua tan căng thẳng, mệt mỏi sau những ngày lao động nặng nhọc nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt và bụi bặm.

Ngày 09/3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-BVHTTDL xếp hạng thác Drai Yông là Danh lam thắng cảnh Quốc gia.

Một số hình ảnh về Di tích:

 

 



Những điểm lân cận

Bản đồ