Văn hóa phi vật thể - linh hồn của di sản Tây Nguyên

26/02/2019 7485 0

Vùng Trường Sơn - Tây Nguyên là nơi cư trú lâu đời của nhiều dân tộc bản địa như Cơ Tu, Hrê, Chăm - Hroi, Êđê, J’rai, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, M’nông, Mạ, Kơ Ho... Các tộc người nơi đây còn bảo lưu nhiều vốn văn hóa nguyên sơ, đầy chất nhân văn; trong đó, di sản văn hóa phi vật thể là nét tinh hoa được chắt lọc ngàn đời mang đậm truyền thống nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Một số di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào đã được sưu tầm, nghiên cứu và vinh danh: Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2005), sử thi của các dân tộc Tây Nguyên được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2014).

Hội voi ở Đắk Lắk

Một trong những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào Tây Nguyên chính là lễ hội dân gian. Lễ hội các dân tộc là sự hội tụ cao độ của các tinh hoa văn hóa, những gì hay nhất, đẹp nhất hầu như tập trung lại để từ đây, thông qua sự tham gia của các thành viên, lan tỏa trở lại cộng đồng.  Mỗi dân tộc đều có hệ thống lễ hội khác nhau. Dân tộc Êđê có những lễ hội tiêu biểu như: Lễ cúng cơm mới, Lễ cúng thần lúa, Lễ cúng bến nước, Lễ cúng thần đất, Lễ cầu mưa... Dân tộc M’nông có một số lễ hội như Lễ kết nghĩa anh em, Lễ cưới, Lễ tang... và lễ nghi nông nghiệp như Lễ cúng lúa đầy bồ, Lễ Tâm ngết... Dân tộc J’rai có một số lễ hội dân gian tiêu biểu liên quan đến chu kỳ canh tác nương rẫy; vòng đời người và các lễ hội cộng đồng... Trong lễ nghi vòng đời người, đáng chú ý là lễ cầu sức khỏe, lễ thổi tai, lễ bỏ mả (pơ thi)... Lễ hội bỏ mả (Pơ thi) của người J’rai, Ba Na là lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người. Từ lễ hội hình thành nhiều loại hình di sản như nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình. Nếu như múa xoang, múa rối cạn, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ... là nét tinh hoa trong nghệ thuật diễn xướng thì những tác phẩm điêu khắc gỗ, tượng nhà mồ là đỉnh cao trong sáng tạo, trang trí làm đẹp cho chỗ yên nghỉ của người quá cố mang đậm sắc thái Tây Nguyên.

Nghệ nhân dân tộc M’nông biểu diễn cồng chiêng.

Trong lĩnh vực văn học dân gian truyền miệng, các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo nên một kho tàng câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, lời nói vần, truyện cổ, truyền thuyết, thần thoại, và nổi bật hơn, quy mô hơn hết là sử thi. Đó là khan của người Êđê, ot ndrong của dân tộc M’nông, hơ mon của người Ba Na... Sử thi là tiếng nói của cha ông để lại nhằm dạy bảo, khuyên răn con cháu. Có thể nói không ngoa rằng, sử thi là "tủ sách bách khoa" của đồng bào chứa đựng nhiều tri thức, kinh nghiệm cuộc sống cùng những vốn liếng văn hóa được sáng tạo và tích lũy ngàn đời, giúp con cháu biết điều hay lẽ phải, biết cái đúng cái sai để ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Ở các buôn làng, khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa hồng dưới mái nhà sàn bình yên, mọi người quây quần thưởng thức rượu cần và lắng nghe già làng kể lại các câu chuyện xưa. Các già làng, nghệ nhân trổ tài biểu diễn nghệ thuật như thổi kèn, diễn tấu cồng chiêng, hát kể sử thi, kể chuyện cổ tích...

Trong các loại hình văn hóa phi vật thể, trang phục truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên mang đậm sắc thái văn hóa vùng. Phụ nữ mặc váy tấm, nam đóng khố, mặc áo và các bộ trang phục choàng quấn. Người J’rai, Ca Dong, Mơ Nâm, Tơ Đrá, Hà Lăng... (nhóm địa phương của người Xơ Đăng) có nét chung của người Xơ Đăng vùng Bắc Tây Nguyên: nam mặc khố, áo quấn hình chữ X, nữ mặc váy dài, áo chui đầu. Người đàn ông Êđê có bộ trang phục tương đối giống nhau, nhất là chiếc áo nam với mảng màu đỏ trước ngực biểu tượng chim đại bàng giang cánh.

Người M’nông ở Nam Tây Nguyên có chiếc váy nữ xanh màu lá rừng, bộ khố áo nam hùng dũng mang dáng dấp của trang phục chiến binh thời cổ. Nét độc đáo của tộc người này là trang sức vòng ống chân, vòng ống tay, đeo khuyên tai làm bằng ngà voi và làm đẹp cho đầu tóc một cách cầu kỳ với nhiều loại trang sức phụ kèm. Người Mạ và người Kơ Ho có chiếc áo chui đầu nền trắng của bông vải ban sơ nhưng lại nổi lên những dải hoa văn chỉ màu sặc sỡ. Trang phục các dân tộc mang nét hoang sơ, bảo lưu nhiều yếu tố cổ xưa, nhất là các loại hình trang phục choàng quấn khố, tấm choàng và đồ trang sức như đeo vòng đồng ở cổ chân, cổ tay, cắm lông chim trên đầu giống như cư dân Đông Sơn  trước đây.

Tuy nhiên, trước biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, nhiều di sản văn hóa của đồng bào đang đứng trước nguy cơ mai một. Các lễ hội dần dần thưa vắng trong đời sống cộng đồng. Rừng mất, những di sản văn hóa gắn với rừng cũng bị xóa sổ như điêu khắc gỗ, kiến trúc nhà làng truyền thống, những tri thức bản địa gắn bó máu thịt với cuộc sống của đồng bào dần dần cũng mất theo. Nghề dệt vải thổ cẩm lâu đời của đồng bào bị thất truyền, hầu hết các buôn làng đều không còn nghề trồng bông, kéo sợi, dệt vải... Đó là nguyên nhân chính làm cho trang phục, sắc phục của đồng bào không còn được bảo lưu, giữ gìn, thậm chí trong các lễ hội truyền thống.

Thiết nghĩ, để bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, cần đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, thực hiện các đề tài khoa học, khuyến khích đồng bào tổ chức tốt các lễ hội dân gian gắn với các hoạt động văn hóa thể thao ở các thôn, bản. Tổ chức định kỳ liên hoan nghệ thuật dân gian, liên hoan cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, tạo môi trường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể là kế thừa văn hoá sống, bảo vệ con người, cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân sở hữu - nghệ nhân dân gian - chủ thể văn hoá. Họ là “Báu vật nhân văn sống”. Nhà nước và cộng đồng thừa nhận những tài năng dân gian, tôn vinh họ trong cộng đồng, tạo những điều kiện tốt nhất trong hoàn cảnh có thể để họ sống lâu, sống khỏe mạnh, phát huy khả năng của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tryền thống. Tạo môi trường thuận lợi cho các nghệ nhân sáng tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ các di sản văn hoá được tích lũy trong cuộc sống. Điều tra, lập danh sách, xem xét công trạng làm cơ sở để trình lên cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu Nghệ Nhân nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể theo Nghị định 62/2014/NĐ-CP ngày 7-8-2014.

Bên cạnh đó, cần sưu tầm, điều tra, nghiên cứu và lập hồ sơ để tiếp tục công nhận thêm một số loại hình di sản tiêu biểu của các dân tộc bản địa Tây Nguyên như kiến trúc nhà rông, điêu khắc tượng nhà mồ, các lễ hội mang đậm tính nhân văn, trang phục và nghề thủ công truyền thống... Những tinh hoa di sản được tôn vinh chẳng những mang lại niềm tự hào cho đồng bào, mà còn góp phần không nhỏ trong hoạt động văn hóa, du lịch, tạo nên sức sống, sự hấp dẫn của mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu