Phát triển Du lịch Tây Nguyên nhờ tính đa dạng của văn hóa bản địa

27/02/2019 5215 0

Thực trạng phát triển du lịch ở Tây Nguyên với văn hóa bản địa

Chúng ta đang xây dựng và triển khai nhiều dự án về nông nghiệp và phát triển nông thôn, về Tây Nguyên… với mục tiêu phát huy giá trị của văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Chúng ta đang xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xã hội bằng cách dựa vào tiềm năng mô hình làng du lịch văn hóa, nhằm phát huy giá trị văn hóa dân tộc song song với phát triển kinh tế gia đình. Phát triển nông thôn hay phát triển du lịch văn hóa ở Tây Nguyên nên xuất phát từ một nền tảng nội sinh của chủ thể văn hóa thể hiện qua các đặc trưng về ẩm thực, nhà mồ, điêu khắc, dân ca, dân vũ… Ở Tây Nguyên hiện nay, Lâm Đồng được nhận xét là phát triển du lịch văn hóa bản địa khá rõ nét, khá bài bản. Du lịch văn hóa ở Đà Lạt – Lâm Đồng do chính quyền tổ chức, còn các tỉnh khác mang tính tự phát, do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đã quy hoạch làng du lịch, nhưng đến bây giờ là 11 năm, người dân tham gia vẫn chưa được giao đất. Gia Lai, Kon Tum, vẫn còn văn hóa nhà rông rất rõ nét là do các dân tộc bản địa còn chiếm tỷ lệ lớn, tình trạng cộng cư chưa diễn ra mạnh mẽ như ở Đăk Lăk, hay Lâm Đồng.

Sinh hoạt lửa trại thể hiện tính cộng đồng của người Tây Nguyên.

Giải pháp đặt ra cho du lịch Tây Nguyên

Cần tạo điều kiện để đồng bào có không gian thể hiện được đặc trưng của từng dân tộc, mới có thể nói đến bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, tăng cường tính hấp dẫn đối với các di sản văn hóa quan trọng. Các vấn đề nghiên cứu tổng thể, gắn các tài nguyên du lịch, kiểm kê các di sản văn hóa một cách có hệ thống theo hướng quảng bá, phổ biến qua kênh du lịch cũng là việc cần làm ngay. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng đang sinh sống, làm việc ở Tây Nguyên hiểu sâu sắc về giá trị, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và con người Tây Nguyên đối với sự phát triển kinh tế – xã hội hiện nay; đồng thời bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, có tâm huyết gắn bó với văn hóa – xã hội Tây Nguyên để phát huy tốt giá trị văn hóa gắn với phát triển xã hội; tạo điều kiện cho các chủ thể văn hóa được hưởng lợi từ các dự án, chính sách về Tây Nguyên.

Du lịch cưỡi voi ở Tây Nguyên.

Phát huy lợi thế tính đa dạng của văn hóa Tây Nguyên

Tính đa dạng của văn hóa Tây Nguyên là lợi thế, là tiềm năng quan trọng cho phát triển du lịch văn hóa ở Tây Nguyên. Để phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn và duy trì được vốn văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên, cần xây dựng được khung pháp lý cần thiết để quản lý các loại hình du lịch mới và bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, và khi ban hành và thực thi các chính sách về kinh tế – xã hội… cần xem xét đến các vấn đề đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên, tạo điều kiện cho người dân tham gia giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình thông qua hoạt động du lịch…

Trong Hội thảo: “Văn hóa và sự phát triển du lịch Tây Nguyên”, nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Bàn về du lịch Tây Nguyên không chỉ bàn về một “nghề” như bao nghề khác, ở những nơi khác. Du lịch Tây Nguyên trong bối cảnh này cần được coi là một phần cốt lõi trong định hướng phát triển mới của Tây Nguyên. Du lịch Tây Nguyên phải là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái – thực ra là một, vì không gian văn hóa Tây Nguyên chính là môi trường sinh thái đó. Vốn “tài nguyên” đặc biệt của Tây Nguyên chính là văn hóa, là truyền thống văn hóa đặc sắc được hòa mình vào tự nhiên”.

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu