Di tích lịch sử Đền thờ Đức Thánh Trần

Giới thiệu

Giá: Miễn phí

Số điện thoại: (0262) 3.852.405

Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút

Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH

Email: vhttdl@daklak.gov.vn

Địa chỉ: 291, đường Trần Hưng Đạo, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk

Đền thờ Đức Thánh Trần tọa lạc tại số 291, đường Trần Hưng Đạo, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Năm 1947, trên một mảnh đất nhỏ ở thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Buk (nay là thị xã Buôn Hồ), nhân dân đã dựng Đền thờ Đức Thánh Trần để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tôn vinh vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - người có công lớn trong ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, đã đi vào lịch sử, đi vào thế giới huyền thoại, thế giới tâm linh, trở thành vị “Thánh” thiêng liêng được toàn thể nhân dân thờ phụng, được dân gian phong là một trong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam. Ban đầu Đền được dựng tạm từ những cây rừng và vách ván, mái lợp tôn, chính giữa Đền đặt một trang thờ và treo bức tranh Trần Hưng Đạo bằng giấy. Ngay từ lúc mới hình thành, nhân dân đã bầu Ban quản trị Đền để phục vụ công tác quản lý, tế lễ, hương khói hàng tháng, hàng năm. Đến năm 1964, Ban quản trị Đền đứng ra khởi xướng, kêu gọi ... Xem thêm

Bản đồ

Giới thiệu

×

Đền thờ Đức Thánh Trần tọa lạc tại số 291, đường Trần Hưng Đạo, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Năm 1947, trên một mảnh đất nhỏ ở thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Buk (nay là thị xã Buôn Hồ), nhân dân đã dựng Đền thờ Đức Thánh Trần để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tôn vinh vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo - người có công lớn trong ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, đã đi vào lịch sử, đi vào thế giới huyền thoại, thế giới tâm linh, trở thành vị “Thánh” thiêng liêng được toàn thể nhân dân thờ phụng, được dân gian phong là một trong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam.

Ban đầu Đền được dựng tạm từ những cây rừng và vách ván, mái lợp tôn, chính giữa Đền đặt một trang thờ và treo bức tranh Trần Hưng Đạo bằng giấy. Ngay từ lúc mới hình thành, nhân dân đã bầu Ban quản trị Đền để phục vụ công tác quản lý, tế lễ, hương khói hàng tháng, hàng năm. Đến năm 1964, Ban quản trị Đền đứng ra khởi xướng, kêu gọi nhân dân thị xã Buôn Hồ quyên góp thêm tiền mua đất đai, vật liệu và dỡ bỏ ngôi Đền cũ, xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần bằng tường gạch, mái lợp tôn.

Để có được khuôn viên và Đền thờ khang trang như ngày nay, Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, mở rộng diện tích như: Năm 1972 cải tạo, mở rộng chánh điện; năm 2004 mua thêm đất; năm 2006 lát nền; 2012 làm sàn. Tuy nhiên, do được xây dựng trong hoàn cảnh đất nước đang xảy ra chiến tranh và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn khó khăn nên Đền thờ chưa thể xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ truyền của một số Đền thờ Đức Thánh Trần ở Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh,...

Hiện nay, Đền thờ Đức Thánh Trần nằm trong một khuôn viên rộng với tổng diện tích là 525,8m2, với các hạng mục: Cổng Đền, sân trước, Đền thờ, sân sau.

Nơi thờ chính của Đền là Nội điện (hậu cung), được xây dựng lồi ra phía sau so với Tiền đường, không được chia ra nhiều gian và cũng không có cửa khép kín như ở các ngôi Đền ở các tỉnh phía Bắc mà chỉ gồm một gian được thông thẳng với gian giữa Tiền đường. Nội điện không có cửa cánh khép kín mà được trang trí bằng viền khung gỗ với hoa văn rồng mây ở lối đi vào, hai bên treo hai câu đối:

“Bạch Đằng Vạn Kiếp dân Việt nhớ ơn

Hàm Tử Chương Dương quân Nguyên khiếp vía”

Bức hoành phi cao 60 cm, rộng 3,6 m, sơn son với 4 chữ Hán: “Trần triều hiển thánh” được treo trang trọng ngay trên cửa vào Nội điện.

Hương án ở Nội điện gồm có 3 tầng: Tầng trệt là nơi thờ Ngũ hổ (biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng có thể diệt trừ ma tà, trấn giữ các phương, là thần linh canh cửa ở các ngôi Đền) với hai bức tranh Ngũ hổ và một đỉnh đồng được đặt chính giữa trang thờ, hai bên đặt hai chân nến bằng đồng và một tượng Hổ bằng đồng để mong cầu no đủ, an lành; Tầng thứ hai của hương án Nội điện cao 50 cm, rộng 1,8 m, đây là nơi đặt bát nhang và một Ấn Đền Trần được lồng trong một khung kính với chiều ngang 30 cm, chiều cao 60 cm. Đây là Ấn Đền Trần được nhà báo Trần Quang Tuấn thỉnh từ Đền Trần của tỉnh Nam Định đem về tặng lại cho Ban Quản lý Đền thờ Đức Thánh Trần ở Đắk Lắk vào Tết năm 2016. Trên trang thờ cũng đặt hai chân nến và một đỉnh trầm bằng đồng được trang trí hình Lân tượng trưng cho sự thông minh, sức mạnh, kiểm soát tâm hồn người đến hành lễ; Tầng thứ ba – tầng cao nhất của hương án chính là nơi đặt tượng Trần Hưng Đạo bằng thạch cao, tượng cao khoảng 1,1 m, bề ngang khoảng 50 cm, được đặt trên một đế tượng dày 60 cm, cao 20 cm. Tượng được đúc ở thế ngồi trên ghế Rồng, tay cầm kiếm, với trang phục màu đỏ và nét mặt uy nghiêm để thể hiện sức mạnh, ý chí, tinh thần chống giặc ngoại xâm của một thiên tài quân sự Việt Nam. Bên trái của tượng Trần Hưng Đạo đặt một cây kiếm, một bộ quan phục cùng với một đôi hài vải thêu hoa văn trang trí và một tủ kính đựng lễ phục màu vàng. Hai bên của tượng Trần Hưng Đạo còn đặt tượng hai con Kỳ Lân bằng gỗ (trong văn hóa Việt Nam thì Kỳ Lân cũng là con vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng cho sự trường thọ, sự nguy nga đường bệ và niềm hạnh phúc lớn lao). Đặc biệt, hai bên hương án còn dựng hai thành đao bằng đồng có hoa văn trang trí hình rồng và cao khoảng 1,8 m để tăng thêm vẻ uy nghi, tôn nghiêm cho điện thờ trong Nội điện.

Đền thờ Đức Thánh Trần là nơi thờ vọng để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Xung quanh tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo không chỉ có các di sản văn hóa hiện hữu, mà là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đa sắc màu, thấm đẫm giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền, đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, là các hình thức diễn xướng âm nhạc, các hình thức trang trí. Các nghi lễ tại Đền Trần từ lâu đã lưu giữ được các phong tục cổ truyền của dân tộc, phần nào tái hiện được một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc, nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất chống ngoại xâm và khích lệ tinh thần đoàn kết, tình yêu thương gắn bó các thành viên trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền thờ Đức Thánh Trần là một địa điểm cung cấp, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng, chủ yếu là cung cấp cho các đội công tác dọc tuyến H4 (mật danh của các huyện Buôn Hồ, Krông Năng, Krông Buk). Ngoài ra, Ban Quản trị Đền do các cụ Đặng Văn Đậu, Năm Phụng, Hà Hạnh,… đã vận động, kêu gọi chủ đồn điền cà phê Rossi đứng ra móc nối với lực lượng Bảo An tại khu vực H4 để che giấu cho việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược tại Đền thờ Trần Hưng Đạo trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Đền thờ Đức Thánh Trần vừa là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng và giữ nước; vừa tôn vinh vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc, thể hiện được nét đẹp văn hóa, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Với ý nghĩa đó, ngày 29/9/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định số 2717/QĐ-UBND xếp hạng Đền thờ Đức Thánh Trần là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Một số hình ảnh về Di tích:

 

 



Nhận xét và đánh giá


Tất cả
(Từ tổng số nhận xét)

Lịch trình mẫu

Lưu trú

Ẩm thực

Giải trí