Chương trình biểu diễn văn hóa Cồng chiêng tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk

11/10/2018 27/12/2018

02 Y Ngông - TP Buôn Ma Thuột

6158 0

Chương trình biểu diễn văn hóa Cồng chiêng được chuyển đến địa điểm biểu diễn mới tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, số 02 Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột, tổ chức định kỳ 02 lần/tháng, vào lúc 20h00 tối thứ bảy tuần thứ 2 và tối thứ bảy tuần cuối của tháng.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang ra sức sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, ngoài hàng trăm đội cồng chiêng của các Ama, Amí (người lớn tuổi bậc cha, mẹ, ông, bà) còn có 300 đội cồng chiêng trẻ tuổi từ 12 – 18, với trên 2.100 em tham gia.

Hàng năm Đắk Lắk đều tổ chức các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc nhằm góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc nhằm giới thiệu về văn hóa Cồng chiêng – văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên để phục vụ người dân và du khách khi đến với Đắk Lắk .
Chương trình biểu diễn văn hóa Cồng chiêng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, giới thiệu, quảng bá rộng rãi những giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhằm giữ chân  khách du lịch khi đến với Đắk Lắk; đồng thời phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức Chương trình biểu diễn văn hóa Cồng chiêng phục vụ người dân địa phương và du khách khi đến với Đắk Lắk tại khu di tích Biệt Điện Bảo Đại, số 04 Y Ngông, thành phố Buôn Ma Thuột.

Nay Chương trình biểu diễn văn hóa Cồng chiêng được chuyển đến địa điểm biểu diễn mới tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, số 02 Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột, tổ chức định kỳ 02 lần/tháng, vào lúc 20h00 tối thứ bảy tuần thứ 2 và tối thứ bảy tuần cuối của tháng.

 


Ông Lê Văn Đức – Giám đốc Công Ty TNHH Dịch Vụ Du Lịch Khám Phá Tây Nguyên (CHD) cũng bày tỏ, ông rất vui mừng khi Chương trình biểu diễn văn hóa Cồng chiêng phục vụ người dân địa phương và du khách được tổ chức 19 kỳ, nay được tổ chức tại địa điểm mới để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và trực tiếp tham gia vào chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng của tỉnh nhà, giúp mọi người hiểu thêm về văn hóa Cồng chiêng – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tạo ra không chỉ nhạc cụ cồng chiêng, các bản nhạc diễn tấu cồng chiêng mà còn bởi mối quan hệ giữa nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng với tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ, lễ hội… của đồng bào các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.
Cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên không được sử dụng bừa bãi mà chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội của gia đình, buôn làng, trong những dịp tiếp khách quý. Cồng chiêng mang lại sự thiêng liêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hòa nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm nương rẫy, không gian lễ hội… của cả vùng Tây Nguyên. Không chỉ có vậy, cồng chiêng còn đem đến đời sống của các tộc người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.
Có thể thấy rằng, văn hóa Cồng chiêng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển du lịch của tỉnh. Đặc biệt, là những chương trình được đầu tư bài bản sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Hy vọng, các kỳ tiếp theo Ban tổ chức tạo điều kiện để các đoàn nghệ nhân trong tỉnh sẽ luân phiên biểu diễn các tiết mục đặc sắc, tạo sự đa dạng và phong phú cho các kỳ biểu diễn tiếp theo, tránh sự trùng lặp nhằm thu hút lượng khách đến xem chương trình biểu diễn văn hóa Cồng chiêng của tỉnh ngày một đông hơn./.

Map

Sample Plan